Hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu lớn đối với sản phẩm rượu bán lẻ. Theo quy định pháp luật, các cơ sở kinh doanh bắt buộc cần phải có giấy phép bán lẻ rượu mới được kinh doanh, đây là một trong những loại giấy tờ được cấp có thời hạn. Vậy nên khi gặp phải một số trường hợp như hết thời hạn hoặc trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hỏng, các thương nhân sẽ phải thực hiện một số thủ tục pháp lý để được cấp lại giấy phép. Vậy muốn xin cấp lại giấy phép bán lẻ rượu cần phải làm như thế nào? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết về cấp lại giấy phép bán lẻ rượu dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.
Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia;
Điều kiện cấp lại giấy phép bán lẻ rượu
Các quy định để được cấp lại giấy phép bán lẻ rượu bao gồm:
Thứ nhất, phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
Thứ hai, có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng;
Thứ ba, có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.
Quy trình cấp lại giấy phép bán lẻ rượu
Bước 1. Nộp hồ sơ
Thương nhân đề nghị nộp hồ sơ cấp lại giấy phép bán lẻ rượu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân.
Trường hợp thương nhân nộp trực tiếp, công chức một cửa hướng dẫn công dân thao tác trên hệ thống máy tính của đơn vị (nếu có) hoặc chủ động thao tác trên hệ thống đối với hồ sơ nộp qua đường bưu chính
Bước 2. Tiếp nhận và kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ
Bước này sẽ diễn ra trong khoảng ½ ngày.
Công chức một cửa tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống và thực hiện kiểm tra:
Nếu trong trường hợp các thông tin khai báo và file đính kèm trên hệ thống chưa đầy đủ, chính xác theo quy định, Công chức một cửa thông báo và gửi hướng dẫn thương nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo mẫu số 02.
Nếu trong trường hợp từ chối nhận hồ sơ, Công chức một cửa gửi thông báo và nêu rõ lý do theo mẫu số 03.
Nếu trong trường hợp các thông tin khai báo và file đính kèm trên hệ thống đầy đủ, chính xác theo quy định, Công chức một cửa tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 01, lập phiếu kiểm soát theo mẫu số 05, cập nhật sổ theo dõi theo mẫu số 06 và tích chuyển hồ sơ trên hệ thống tới lãnh đạo phòng Kinh tế.
Ghi chú: Các mẫu 01, 02, 03 được Công chức một cửa lập trên hệ thống và gửi cho Thương nhân qua địa chỉ thư điện tử mà Thương nhân đã đăng ký. Phiếu kiểm soát theo mẫu 05 được lập và xác thực trên hệ thống có giá trị như các phiếu kiểm soát quá trình bản giấy có chữ ký của các đơn vị liên quan
Bước 3: Phân công thụ lý hồ sơ
Bước này thường diễn ra trong ½ ngày. Lãnh đạo phòng Kinh tế duyệt hồ sơ, phân công chuyên viên thụ lý hồ sơ và tích chuyển trên hệ thống.
Bước 4: Thẩm định hồ sơ
Bước này thường diễn ra trong 3 ngày. Chuyên viên được phân công thụ lý tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống và thực hiện xem xét, thẩm định, sẽ xảy ra một trong hai trường hợp sau:
Trong trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu, cần giải trình và bổ sung, chuyên viên thụ lý hồ sơ dự thảo văn bản yêu cầu bổ sung theo mẫu 02 hoặc lý do từ chối theo mẫu 03 trình lãnh đạo phòng.
Nếu đảm bảo yêu cầu: Thực hiện xác minh thực tế và chuyển bước tiếp theo.
Bước 5: Báo cáo kết quả thẩm định
Chuyên viên thụ lý hồ sơ hoàn thiện Giấy phép bán lẻ rượu cấp lại và chuyển trên hệ thống đồng thời in bản cứng trình lãnh đạo phòng xem xét.
Ghi chú: Trường hợp hồ sơ bị chậm muộn thì phải kèm theo phiếu xin lỗi mẫu số 04.
Bước 6. Xem xét kết quả thẩm định
Lãnh đạo phòng tiếp nhận kết quả thẩm định, xem xét hồ sơ sau đó:
Trong trường hợp đồng ý thì lãnh đạo phòng thực hiện ký Giấy phép bán lẻ rượu cấp lại.
Trong trường hợp không đồng ý thì lãnh đạo phòng chuyển lại chuyên viên thụ lý hồ sơ và nêu rõ lý do.
Bước 7. Đóng dấu & sao lưu
Chuyên viên thụ lý hồ sơ tiếp nhận kết quả, chuyển văn thư vào số, đóng dấu, phát hành văn bản, các công việc thường diễn ra trong 1 ngày.
Thực hiện nhân bản và thống kê, theo dõi, lưu trữ tại phòng theo quy định. Chuyển kết quả về Bộ phận trả kết quả.
Bước 8. Trả kết quả
Bước cuối cùng, thông báo và trả kết quả cho Thương nhân, thực hiện thu phí theo quy định (nếu có) và yêu cầu Thương nhân ký sổ theo mẫu 06.
Thành phần hồ sơ
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hồ sơ sẽ có tài liệu khác nhau:
Trong trường hợp cấp lại do giấy phép hết thời hạn hiệu lực
Trong trường hợp này hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép bán lẻ rượu theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh;
Bản sao hợp đồng thuê, mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ;
Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, phân phối rượu hoặc bán buôn rượu;
Trường hợp cấp lại Giấy phép do bị mất, bị hỏng
Trong trường hợp này thì hồ sơ cần có đơn đề nghị cấp lại Giấy phép bán lẻ rượu theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP và bản gốc hoặc bản sao Giấy phép đã cấp (nếu có).
Lưu ý: Số lượng hồ sơ là 01 bộ.
Cách thức nộp hồ sơ
Hồ sơ xin cấp lại giấy phép bán lẻ rượu có thể nộp bằng các cách sau:
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính Ủy ban nhân dân.
Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cách 3: Gửi qua dịch vụ bưu chính công ích.
Giấy phép bán lẻ rượu được lưu và gửi thế nào?
Việc lưu và gửi Giấy phép kinh doanh rượu thực hiện căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP), cụ thể đối với Giấy phép bán lẻ rượu thì:
Giấy phép được làm thành nhiều bản: 02 bản lưu tại cơ quan cấp phép; 01 bản gửi thương nhân được cấp giấy phép; 01 bản gửi Sở Công Thương; 01 bản gửi Cục Quản lý thị trường; 01 bản gửi thương nhân sản xuất rượu hoặc doanh nghiệp kinh doanh rượu khác có tên trong giấy phép.
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Kinh tế sẽ xem xét và cấp lại Giấy phép bán lẻ rượu. Nếu từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; Còn trong trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ thì trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Phòng Kinh tế có văn bản yêu cầu bổ sung.
Chi phí cần trả để được cấp lại giấy phép bán lẻ rượu
Phí thẩm định điều kiện hoạt động để cấp lại giấy phép bán lẻ rượu (Trường hợp cấp lại do giấy phép hết thời hạn hiệu lực) bao gồm:
Đối với hộ kinh doanh: 400.000 đồng/cơ sở/lần.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp: 1.200.000 đồng/cơ sở/lần.
Thời hạn của giấy phép bán lẻ rượu mới
Căn cứ Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì việc cấp lại giấy phép mới tùy vào các trường hợp sau:
Trường hợp cấp lại do hết thời hạn hiệu lực
Thời hạn của giấy phép mới là 5 năm căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Nghị định Nghị định 105/2017/NĐ-CP có quy định: Thời hạn của Giấy phép bán lẻ rượu là 05 năm.
Trường hợp cấp lại giấy phép do bị mất hoặc bị hỏng:
Thời hạn của giấy phép sẽ được giữ nguyên như cũ.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về cấp lại giấy phép bán lẻ rượu xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.