Theo nguyên tắc của tố tụng trọng tài thì “phán quyết trọng tài là chung thẩm”, tức là có hiệu lực ngay kể từ ngày ban hành phán quyết. Tuy nhiên, vẫn có một cánh cửa để phá vỡ phán quyết trọng tài, đó là thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án. Vì vậy, trong bài viết này, công ty Luật Việt An đã tổng hợp một số tư vấn về chủ thể có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài như sau.
Căn cứ pháp lý
Luật trọng tài thương mại năm 2010;
Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.
Phán quyết trọng tài là gì?
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài ”.
Có thể nói, phán quyết trọng tài là quyết định phân xử của Hội đồng trọng tài đối với yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên. Phán quyết trọng tài được đưa ra nhằm giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài. Để có được phán quyết trọng tài, Hội đồng trọng tài phải thực hiện một quy trình tố tụng do Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định.
Theo nguyên tắc của tố tụng trọng tài thì “phán quyết trọng tài là chung thẩm”, tức là phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp luật ngay kể từ ngày ban hành phán quyết, không bị các đương sự kháng cáo và cũng không bị Viện Kiểm sát kháng nghị. Nói cách khác, phán quyết trọng tài sẽ không được xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm hay giám đốc thẩm như bản án được ban hành bởi Tòa án.
Hủy phán quyết trọng tài là gì?
Mặc dù phán quyết trọng tài mang tính chất trung thẩm nhưng phán quyết trọng tài có thể bị tòa án có thẩm quyền hủy.
Hủy một phán quyết trọng tài là việc tòa án có thẩm quyền tuyên bố phán quyết đó không có giá trị toàn bộ hoặc một phần. Nếu một phán quyết bị tòa án có thẩm quyền hủy thì thông thường phán quyết đó bị coi là không có hiệu lực và do đó không thể thi hành không chỉ bởi tòa án nơi tiến hành tài mà cả tòa án quốc gia ở nơi khác.
Thủ tục hủy phán quyết trọng tài của tòa án không phải là thủ tục xét xử lại vụ kiện. Trong quá trình xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, tòa án không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp, mà chỉ đối chiếu với các trường hợp hủy phán quyết trọng tài theo quy định của pháp luật để ra quyết định. Tòa án sẽ ra quyết định hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp pháp luật phán quyết trọng tài bị hủy.
Chủ thể có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài
Khoản 1 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định về việc huỷ phán quyết trọng tài như sau: “Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên”.
Khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định về quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 68 của Luật này, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài”.
Như vậy, về chủ thể có quyền yêu cầu nộp đơn hủy phán quyết trọng tài thương mại là một trong các bên tranh chấp. Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn”. Nói cách khác, theo quy định của pháp luật, chỉ có các bên tranh chấp mới được quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Do đó, khi phát hiện phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các bên có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài. Nếu nhận thấy có các căn cứ hủy theo Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì Hội đồng xét đơn yêu cầu thuộc Tòa án sẽ ra quyết định hủy phán quyết đã tuyên.
Lưu ý:
Sau khi phán quyết trọng tài bị hủy, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án (Khoản 8 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại năm 2010).
Quy định này chính là một cơ chế để khắc phục những sai phạm trong quá trình giải quyết tranh chấp, giúp cho việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thật sự khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trọng tài đã góp phần hạn chế sự tùy tiện, thiếu thận trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp của Trọng tài viên.
Các trường hợp hủy phán quyết trọng tài
Theo khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, phán quyết trọng tài có thể bị tuyên hủy khi thuộc các trường hợp sau đây:
Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc thỏa thuận trọng tài giữa các bên thuộc các trường hợp bị coi là vô hiệu theo Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì Tòa án có thể tuyên hủy phán quyết trọng tài.
Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010
Đây là trường hợp các bên đã thống nhất về thành phần của Hội đồng trọng tài và đã thiết lập các quy tắc tố tụng trọng tài, tuy nhiên Hội đồng trọng tài lại không tuân theo những thỏa thuận này hoặc vi phạm các quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Đồng thời, Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án.
Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài
Đây là trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật TTTM; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.
Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo
Trong trường hợp này, Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo.
Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài
Đây là trường hợp liên quan đến vấn đề đạo đức của trọng tài viên. Theo khoản 7 Điều 21 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Trọng tài viên có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Điều này giúp duy trì tính minh bạch và uy tín của quá trình trọng tài, và đồng thời bảo vệ quyền lợi và sự tin tưởng của tất cả các bên tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp.
Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
Đây là trường hợp phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam. Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì việc xác minh là của Tòa án.
Trên đây là bài viết trình bày chi tiết vềchủ thể có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Nếu có bất kì khó khăn vướng mắc liên quan tới vấn đề trọng tài thương mại, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn chi tiết!