Phán quyết trọng tài khi được đưa ra, không chỉ có giá trị pháp lý mà còn mang đến sự công bằng, đảm bảo quyền lợi các bên trong vụ tranh chấp. Để phán quyết có thể thực thi thì hiệu lực của phán quyết trọng tài đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm về quyền lợi của các bên sau khi tham gia giải quyết tranh chấp. Để tìm hiểu rõ hơn về hiệu lực của phán quyết trọng tài, công ty Luật Việt An sẽ tổng hợp khái quát chung về phán quyết trọng tài cũng như là hiệu lực của phán quyết nói trên.
Khái niệm, đặc điểm phán quyết trọng tài
Khái niệm phán quyết trọng tài
Tham khảo Luật mẫu UNCITRAL, phán quyết trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.
Trong khi đó, Công ước New York – Công ước điều chỉnh việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài đưa ra định nghĩa: “Thuật ngữ các phán quyết trọng tài bao gồm không chỉ những phán quyết đưa ra bởi các trọng tài được chỉ định cho từng vụ mà còn bao gồm các phản quyết đưa ra bởi các tổ chức trọng tài thường trực được các bên đưa vụ việc ra giải quyết”.
Tại Việt Nam, phán quyết trọng tại theo Luật Trọng tài thương mại 2010 được quy định: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài thương mại giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài buộc các bên tranh chấp phải thực hiện”
Đặc điểm phán quyết trọng tài thương mại
Phán quyết trọng tài thương mại tại Việt Nam mang một số đặc điểm cơ bản sau:
Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.
Phán quyết trọng tài là quyết định giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài của Hội đồng trọng tài.
Ngoài ra, pháp luật trọng tài quốc tế còn có phán quyết trọng tài từng phần hoặc phán quyết trọng tài sơ bộ, chỉ giải quyết một phần nội dung tranh chấp hoặc chỉ giải quyết vấn đề về tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, có thể chỉ khác nhau ở cách gọi tên, pháp luật Việt Nam không gọi những văn bản trên là “phán quyết” mà chỉ gọi là “quyết định” và định nghĩa phán quyết trọng tài chỉ là những văn bản đáp ứng đầy đủ các đặc điểm trên. Việc quy định này giúp các bên dễ dàng phân biệt phán quyết cuối cùng và các quyết định trọng tài khác trong giai đoạn tố tụng trọng tài.
Khái quát chung hiệu lực của phán quyết trọng tài
Cơ sở pháp lý
Khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Khái quát chung về hiệu lực phán quyết trọng tài
Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành phán quyết, không bị kháng cáo, kháng nghị. Nói cách khác, phán quyết trọng tài sẽ không được xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm hay giám đốc thẩm như việc Tòa án ban hành ra bản án.
Để hiểu rõ hơn, dưới đây là so sánh giữa thủ tục trọng tài và Tòa án. Sự khác biệt điển hình giữa hai thủ tục này, một bên là Tòa án giải quyết tranh chấp theo Bộ luật tố tụng dân sự và một bên là trọng tài giải quyết theo quy định của Luật Trọng tài thương mại:
Đối với Tòa án, có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, đương sự có thể kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.
Đối với Trọng tài, một khi phán quyết trọng tài được đưa ra thì hai bên bắt buộc phải thi hành, không có quyền kháng cáo. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của tố tụng trọng tài, các bên đương sự đã cùng lựa chọn bên thứ ba xét xử cho mình thì đương nhiên phải tôn trọng quyết định của của bên thứ ba đó.
Giá trị thi hành của phán quyết trọng tài
Về giá trị thi hành, các phán quyết trọng tài không giống nhau, mà dựa vào hai loại sau đây:
Loại thứ nhất, là phán quyết trọng tài “trong nước”, đó là ngay khi ban hành, các bên sẽ bị ràng buộc và phán quyết trọng tài đó có giá trị thi hành như là một bản án của Tòa án.
Loại thứ hai, là phán quyết trọng tài “nước ngoài”. Đó là khi thi hành tại một nước khác và cần phải qua thủ tục công nhận và cho thi hành.
Quyền và lợi ích của các bên liên quan phụ thuộc lớn vào việc phán quyết trọng tài có được công nhận và cho thi hành hay không. Việc này có thể tạo sự khác biệt quan trọng, vì nếu quá trình cộng nhận và thi hành không diễn ra một cách thuận lợi, phán quyết trọng tài sẽ không có giá trị thực tế, hay nói cách khác hiệu lực của phán quyết cũng không có giá trị.
Ưu điểm và nhược điểm của phán quyết trọng tài
Ưu điểm của phán quyết trọng tài
Với nguyên tắc phán quyết trọng tài là chung thẩm và hiệu lực có từ ngày ban hành phán quyết, có thể thấy các phán quyết trọng tài sẽ được thực thi nhanh chóng trong thực tiễn. Từ đó, tránh được tình trạng bên phải thực hiện nghĩa vụ cố tình dây dưa kéo dài thời gian thi hành, đồng thời, giúp bên kia có thể sớm khắc phục những thiệt hại về tiền, tài sản do bên vi phạm gây ra.
Nhược điểm của phán quyết trọng tài
Mặc dù có hiệu lực kể từ ngày ban hành, nhưng ở một số trường hợp phán quyết phải được công nhận và thực thi tại một quốc gia khác. Việc công nhận và cho thi hành cũng là một trong những bất cập khi các quy định về việc này ở mỗi quốc gia có sự khác biệt nhất định với các quy định tại quốc gia khác.
Thêm vào đó, phán quyết trọng tài là chung thẩm, không có bị kháng cáo hay kháng nghị, do đó, ở một số trường hợp, phán quyết không thể được xem xét lại hay điều chỉnh được.
Quy định về việc thi hành và hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam
Cơ sở pháp lý
Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010 về yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài.
Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 về căn cứ hủy phán quyết trọng tài.
Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010 về Tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Nội dung
Với nội dung thi hành phán quyết trọng tài, cơ quan thi hành án nơi lập phán quyết trọng tại có thẩm quyền thi hành phán quyết đó. Người yêu cầu thi hành án tự minh hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng cách nộp đơn hoặc trực tiếp trinh bay bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc gửi đơn qua bưu điện.
Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự Việc Nhà nước hỗ trợ thi hành phán quyết trọng tài là sự hỗ trợ vô cùng cần thiết và có hiệu quả.
Với nội dung hủy phán quyết trọng tài, vì lý do khác nhau mà phản quyết trọng tài có thể sai sót, nên có thể bị tuyên hủy bởi Tòa án nơi HĐTT đã tuyên phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của pháp luật.
Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài hay trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy, Chứng cứ do các bên cung cấp mà HĐTT căn cứ vào đó để phán quyết là giả tạo.
Trọng tài viên, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp, làm ảnh hưởng đến tỉnh khách quan, công bằng của phán quyết.
Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010. Tòa án không xem xét lại nội dung tranh chấp cũng như trình tự, thủ tục tố tụng mà chỉ xem phán quyết trọng tài có thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 không.
Nếu thuộc một trong các trường hợp đó, Tòa án ra quyết định hủy phán quyết trọng tài. Nếu không thuộc một trong các trường hợp đó, Tòa án ra quyết định không hủy phán quyết trọng tài, và phán quyết của trọng tài sẽ có hiệu lực.
Như vậy, việc Tòa án ra quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài có tác dụng khẳng định phán quyết của trọng tài thương mại sai hay đúng và tạo thuận lợi thêm cho việc thi hành án bởi Cơ quan thi hành án dân sự.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về pháp luật trọng tài thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!