Có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo hay không?
Quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những quyền thu hút được nhiều sự chú ý nhất của các tổ chức, cá nhân. Pháp luật nước ta cũng đã và đang từng bước thay đổi để có thể xây dựng nên được khung pháp lý về sở hữu trí tuệ một cách bao quát và toàn diện nhất, nhằm bảo đảm được đầy đủ quyền và lợi ích của các chủ sở hữu. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An xin trả lời thắc mắc của Quý khách hàng về chủ đề: “Có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo hay không?”.
Trí tuệ nhân tạo là gì?
Trí tuệ nhân tạo hay còn được gọi là Artificial Intelligence (viết tắt là AI) là một trong những loại công nghệ nổi bật và phát triển nhất hiện nay. Trí tuệ nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính nhắm tạo ra các hệ thống hoặc chương trình có khả năng thực hiện các nhiệm vụ một cách thông minh như con người.
Nhờ có trí tuệ nhân tạo mà máy tính có khả năng tự học hỏi, suy luận, giải quyết vấn đề, tự thích nghi, giao tiếp,… như con người.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, như: y tế, tài chính, giáo dục,…
Một số sản phẩm nổi bật của trí tuệ nhân tạo vào đời sống có thể kể tới: các trợ lý ảo của các ứng dụng (Siri, Google Assistant), xe tự lái, các ứng dụng xã hội (Facebook, Youtube,…),… và còn nhiều sản phẩm khác nữa.
Có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo hay không?
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay, theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2022, chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 13 Luật Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2022, quy định về quyền tác giả, quy định các tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, gồm các đối tượng sau:
Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;
Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
Do vậy, nếu căn cứ theo quy định trên, trí tuệ nhân tạo không phải là chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ bởi đây là một chương trình máy tính, một sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay con người, không phải là tổ chức hay cá nhân và không có quyền nhân thân, quyền tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Vai trò của AI trong sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ
Trí tuệ nhân tạo không thể tự mình sáng tạo nên một tác phẩm nào đó, mà cần có bàn tay của con người can thiệp, vì vậy, rất khó để công nhận quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
Trong nhiều trường hợp, trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tự động sáng tác ra tác phẩm theo yêu cầu của con người. Thông qua cơ chế tự học (machine learning) và xử lý dữ liệu từ các lệnh trước đó, AI có thể tạo ra các tác phẩm như hình ảnh, bài viết, hay âm nhạc mới. Tuy nhiên, AI hiện tại chưa được công nhận là một chủ thể pháp lý (kế cá nhân lẫn pháp nhân), do đó câu hỏi về việc ai là chủ sở hữu tác phẩm do AI sáng tác trở thành một vấn đề pháp lý phức tạp.
Vậy câu hỏi đặt ra là trong các trường hợp trên thì ta xác định người chủ sở hữu tác phẩm như thế nào? Theo pháp luật dân sự của nhiều quốc gia, chủ thể sở hữu trí tuệ và tác giả là các nhân hoặc tổ chức (pháp nhân). Trong trường hợp AI tự sáng tác, quyền sở hữu thường được quy về:
Chủ sở hữu công nghệ AI: Nếu AI được vận hành trong môi trường doanh nghiệp hoặc dưới sự kiểm soát của tổ chức, chủ sở hữu AI có thể được coi là chủ sở hữu tác phẩm.
Các lập trình viên AI: Nếu người này đề ra các yêu cầu sáng tác và cung cấp các dữ liệu đầu vào cho AI, họ có thể được coi là tác giả.
Người sử dụng AI: Người trực tiếp sử dụng AI để tạo ra sản phẩm cuối cùng cũng có thể có một phần quyền sở hữu.
Trên thực tế, một số quốc gia đã quy địch rõ về quyển sở hữu của AI:
Hoa Kỳ: Theo Cơ Quan Bản Quyền Hoa Kỳ (US Copyright Office), tác phẩm chỉ được bảo hộ bản quyền nếu do một con người tạo ra. Tác phẩm do AI tự động tạo ra không được bảo hộ dưới luật bản quyền Hoa Kỳ.
Anh: Tại Vương Quốc Anh, Luật Bản Quyền, Thiết Kế và Bằng Sáng Chế quy định rằng chủ sở hữu các tác phẩm do AI tạo ra thuộc về người “thực hiện các điều kiện để sáng tác”.
EU: Nếu một tác phẩm được tạo ra hoàn toàn bởi hệ thống AI mà không có bất kỳ nỗ lực trí tuệ nào của con người sẽ không được bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, nếu con người có sự đóng góp vào quá trình tạo ra tác phẩm thì vẫn có thể xem xét về khả năng bảo hộ.
Tính sáng tạo
Các sản phẩm muốn được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ cần phải có tính sáng tạo, nghĩa là phải do chủ sở hữu sáng tạo ra và chưa được công bố bằng bất cứ phương thức nào.
Tuy nhiên, việc trí tuệ nhân tạo sáng tác ra một tác phẩm mới không được coi là sáng tạo, bởi trí tuệ nhân tạo sẽ dựa trên những thành quả, tác phẩm do con người sáng tạo ra để tạo nên một tác phẩm khác. Vì vậy, hiện nay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các ngành nghề cần tính sáng tạo, nghệ thuật như: văn học, mỹ thuật,… đang gặp tranh cãi rất lớn.
Ngoài ra, việc trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra một tác phẩm mới cũng dựa trên thuật toán của con người, vì vậy, khó có thể coi trí tuệ nhân tạo là chủ sở hữu của tác phẩm đó. Căn cứ vào các phân tích trên, có thể nói rằng hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận quyền sở hữu trí tuệ của trí tuệ nhân tạo.
Có thể thấy, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra đang trở thành những thách thức pháp lý, là nguồn gốc của những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là việc trí tuệ nhân tạo xâm phạm tới các tác phẩm do con người sáng tạo ra.
Thực trạng này đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, các nước phát triển về công nghệ hiện nay, như: Hoa Kỳ, Úc,.. đều chưa công nhận quyền sở hữu trí tuệ của trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, một số quốc gia khác, như: Ấn Độ, Anh,… thì công nhận quyền sở hữu trí tuệ của các lập trình viên – người tạo nên các chương trình trí tuệ nhân tạo.
Những rủi ro khi không được pháp luật bảo hộ
Hiện nay, pháp luật không công nhận quyền sở hữu trí tuệ và không bảo hộ quyền đối với các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra, vì vậy những sản phẩm này đang nằm ngoài sự quản lý của pháp luật. Vì vậy, khi ứng dụng những sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, hoặc tiến hành khai thác các sản phẩm đó thì pháp luật cũng sẽ không bảo hộ.
Ngoài ra, chủ sở hữu của trí tuệ nhân tạo không thể thương mại hóa các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra để khai thác, thu hồi vốn đầu tư cho nghiên cứu để cải tiến, nâng cấp công nghệ. Không chỉ vậy, việc không công nhận các sản phẩm, sáng chế do trí tuệ nhân tạo tạo ra sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh giữa con người và trí tuệ nhân tạo.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của Luật Việt An cho câu hỏi: “Có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trí tuệ nhân tạo hay không?”. Quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn chi tiết hơn, xin vui lòng liên hệ chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ tận tình nhất.