Quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra nhiều tranh cãi về quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Liệu AI có thể được công nhận là tác giả? Nếu không, ai sẽ là chủ sở hữu hợp pháp? Bài viết này Luật việt An sẽ phân tích các quy định pháp luật hiện hành, tiêu chí xác định quyền tác giả và kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này.
Ai là tác giả đối với nội dung do AI tạo ra?
Việc xác định ai là tác giả của các nội dung được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một vấn đề pháp lý mới và đầy thách thức. Theo hệ thống pháp luật hiện hành của phần lớn các quốc gia, quyền tác giả chỉ được công nhận đối với con người.
Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng: tác phẩm do AI tạo ra có được bảo hộ hay không? AI có thể được xem là tác giả hợp pháp? Và quyền sử dụng của người dùng đối với các nội dung này sẽ được quy định như thế nào? Ngoài ra, nếu AI tạo ra nội dung vi phạm bản quyền, ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý?
AI về bản chất chỉ là một công cụ hỗ trợ, hoạt động dựa trên các thuật toán và dữ liệu được lập trình sẵn. Trong quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng, có sự tham gia của nhiều bên như lập trình viên, người cung cấp dữ liệu và người sử dụng AI.
Tuy nhiên, AI chính là yếu tố trực tiếp tạo ra nội dung. Chính vì vậy, việc xác định ai là chủ sở hữu bản quyền đối với các tác phẩm do AI tạo ra vẫn còn nhiều tranh luận. Hiện tại, AI chưa được công nhận là một tác giả độc lập, do đó, cả người phát triển AI, người sở hữu AI và người sử dụng AI đều không thể tuyên bố quyền tác giả đối với các sản phẩm do AI tạo ra.
Ví dụ: Một số công cụ AI có thể tạo ra bản nhạc mới bằng cách học từ các tác phẩm đã có sẵn. Vậy ai sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của những bản nhạc này? Là người phát triển AI, người cung cấp dữ liệu đầu vào, hay AI? Đây là một câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng và đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới pháp lý.
Khi nào có thể phản đối đăng ký quyền tác giả tác phẩm AI?
Tác phẩm không do con người sáng tạo
Theo khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022 quy định:“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Do đó, nếu một tác phẩm hoàn toàn do AI tạo ra mà không có sự can thiệp sáng tạo của tổ chức hoặc cá nhân, việc đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm này có thể bị phản đối.
Tác phẩm không mang tính sáng tạo, độc đáo
Căn cứ tại Khoản 3 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022 quy định tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Nếu tác phẩm do AI tạo ra không đáp ứng tiêu chí về tính sáng tạo và độc đáo, việc đăng ký quyền tác giả có thể bị phản đối.
Không xác định rõ tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả
Tại Điều 36 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022 quy định hồ sơ đăng ký quyền tác giả phải bao gồm “tên đầy đủ và địa chỉ của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”. Trong trường hợp tác phẩm do AI tạo ra, nếu không xác định rõ ràng ai là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, việc đăng ký có thể bị phản đối.
Tác phẩm thuộc đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả
Tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022 liệt kê các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, bao gồm:
Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Nếu tác phẩm do AI tạo ra rơi vào các trường hợp này, việc đăng ký quyền tác giả sẽ không được chấp nhận. Việc phản đối đăng ký quyền tác giả cần được thực hiện thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, với việc cung cấp đầy đủ bằng chứng và lập luận pháp lý để chứng minh tác phẩm không đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định.
Giải quyết tranh chấp quyền tác giả đối với tác phẩm AI
Do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về tác phẩm do AI tạo ra, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các tác phẩm này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xác định chủ thể quyền tác giả và phạm vi bảo hộ. Do đó, cần có sự nghiên cứu và điều chỉnh pháp luật để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của công nghệ AI.
Theo Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022 như sau:
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến quyền tác giả đối với sản phẩm do AI tạo ra. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời!