Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồ Chí Minh
Để hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm hoặc dịch vụ ăn uống, ngoài việc đăng ký doanh nghiệp, các cơ sở cần đảm bảo có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo pháp luật mà còn là nền tảng để các cơ sở sản xuất thực phẩm tiến hành công bố sản phẩm trong tương lai. Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin toàn diện về thủ tục cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, từ quy trình thực hiện, hồ sơ cần chuẩn bị đến những lưu ý quan trọng.
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xác nhận một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh ATTP theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12. Giấy chứng nhận này là điều kiện bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, hoặc thực phẩm nông, lâm, thủy sản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và tuân thủ pháp luật.
Tình hình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn với hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/04/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, TP. Hồ Chí Minh sáp nhập với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hình thành “siêu thành phố Hồ Chí Minh” với diện tích khoảng 6.772 km² và dân số hơn 13,7 triệu người, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2025. Theo Nghị quyết số 03/2025/NQ-HĐND ngày 20/02/2025 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh, sửa đổi Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh được tái cấu trúc với cơ cấu tổ chức mới bao gồm Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý hành nghề, Phòng Quản lý tiêu chuẩn và Kiểm nghiệm, và Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông. Sở này tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên toàn bộ địa bàn TP. Hồ Chí Minh mở rộng, bao gồm các khu vực thuộc Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Các cơ quan quản lý ATTP tại các khu vực mới sáp nhập được thống nhất dưới sự chỉ đạo của Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường, xã để thực hiện cấp phép và giám sát.
Với vị trí kinh tế trọng yếu của cả nước, quản lý vệ sinh ATTP tại thành phố Hồ Chí Minh luôn là ưu tiên hàng đầu nhằm ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình quản lý vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm:
Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, đa dạng từ quy mô nhỏ đến lớn, gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát.
Một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoặc nhân sự chưa được tập huấn kiến thức ATTP.
Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ nguồn nguyên liệu, vận chuyển, và bảo quản vẫn tồn tại.
Để giải quyết các thách thức, TP. Hồ Chí Minh đã:
Tăng cường vai trò của Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh để thống nhất quản lý, cấp phép và giám sát ATTP trên toàn địa bàn.
Ứng dụng công nghệ thông tin qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP. Hồ Chí Minh, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến, giảm thời gian xử lý.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP.
Cơ quan thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồ Chí Minh
Hiện nay, Sở An toàn thực phẩm là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP. Thủ Đức vẫn có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký hộ kinh doanh. Đối với một số nhóm thực phẩm đặc thù như thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất, phụ gia thực phẩm hoặc cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo quản ở điều kiện đặc biệt, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thuộc Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.
Quy trình cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồ Chí Minh
Căn cứ theo Luật An toàn thực phẩm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Nghị định 155/2022/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn liên quan, quy trình cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu và nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền, trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP. Hồ Chí Minh (https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/).
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Trong thời gian 03-05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP xem xét tính đầy đủ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu không đầy đủ.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế
Trong 7-15 ngày làm việc (tùy loại hình cơ sở), cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP tiến hành thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế tại cơ sở để đánh giá điều kiện ATTP (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, quy trình sản xuất).
Đối với cơ sở đã được thẩm định trước và xếp loại A hoặc B, thời gian thẩm định có thể rút ngắn còn 7 ngày.
Bước 4: Trả kết quả
Sau khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP cho cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc không cấp Giấy chứng nhận ATTP trong đó phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý trong thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồ Chí Minh
Chuẩn bị hồ sơ và lệ phí đầy đủ
Các cơ sở cần kiểm tra kỹ các giấy tờ cần thiết (đặc biệt là giấy xác nhận sức khỏe và tập huấn ATTP) để tránh phải bổ sung, làm kéo dài thời gian xử lý. Đồng thời, cần chuẩn bị chi phí khi nộp hồ sơ và nhận kết quả, bao gồm các chi phí thẩm định cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ Điều 36 Luật An toàn thực phẩm 2010, Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Tuỳ từng loại hình cơ sở, chi phí thẩm định cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ khác nhau, cụ thể:
Phí thẩm định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ an uống:
Phục vụ dưới 200 suất ăn: 700.000 đồng/lần/cơ sở;
Phục vụ từ 200 suất ăn trở lên: 1.000.000 đồng/lần/cơ sở.
Phí thẩm định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
Cơ sở sản xuất thực phẩm: 2.500.000 đồng/lần/cơ sở.
Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ: 500.000 đồng/lần/ cơ sở.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm: 1.000.000 đồng/lần/cơ sở.
Phí thẩm định đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản: 000 đồng/cơ sở
Phí thẩm định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
Cơ sở sản xuất thực phẩm: 2.500.000 đồng/01lần/cơ sở.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm: 1.000.000 đồng/01 lần/cơ sở.
Tuân thủ yêu cầu cơ sở vật chất
Các cơ sở cần đảm bảo đáp ứng các điều kiện về quy trình sản xuất, trang thiết bị, vệ sinh, và ngăn ngừa côn trùng/động vật gây hại.
Cập nhật các thay đổi
Nếu có thay đổi thông tin (tên, chủ cơ sở), cần thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để cập nhật Giấy chứng nhận, tránh vi phạm pháp luật.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hoặc hỗ trợ thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồ Chí Minh, xin vui lòng liên hệ đến dịch vụ xin cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!