Trong bối cảnh kinh tế thị trường đầy biến động, việc duy trì tình trạng pháp lý lành mạnh là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không ít doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng mất cân bằng pháp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, uy tín và khả năng tiếp cận các cơ hội. Vậy làm thế nào để khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp? Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin cơ bản để trả lời của hỏi trên.
Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp
Theo Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
Tạm ngừng kinh doanh;
Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký;
Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế;
Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập;
Đang làm thủ tục phá sản;
Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại;
Đang hoạt động.
Các trường hợp khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp
Theo Điều 67 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời khôi phục tình trạng pháp lý trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
Phòng Đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể không thuộc các trường hợp sau:
Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
Doanh nghiệp do những cá nhân, tổ chức bị cấm thành lập doanh nghiệp;
Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế, người đại diện không đến giải trình hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận;
Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của Cơ quan thuế.
Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của Cơ quan quản lý thuế đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế nợ thuế trong trường hợp doanh nghiệp chưa chuyển sang tình trạng pháp lý đã giải thể trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi quyết định nêu trên đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, đồng thời gửi thông tin về việc hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan có thẩm quyền khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Tài chính (trước đây là Sở Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm về việc quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và khôi phục lại tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Sau quá trình sáp nhập, tên gọi của các Phòng Đăng ký kinh doanh tại các tỉnh đã có sự điều chỉnh để phù hợp với cơ cấu mới. Quý Khách hàng cần xác định rõ tên gọi của Phòng Đăng ký kinh doanh nơi thực hiện thủ tục thay đổi để tránh nhầm lẫn.
Hướng dẫn các bước thực hiện khôi phục qua Internet
Bước 1: Đăng nhập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua tài khoản VneID.
Bước 2: Chọn phương thức nộp hồ sơ
Tùy từng trường hợp cụ thể, người nộp hồ sơ chọn một trong những hình thức sau:
Sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh
Sử dụng Chữ ký số công cộng
Bước 3: Chọn hình thức đăng ký
Người nộp hồ sơ chọn hình thức đăng ký “Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc”
Nhập mã số thuế doanh nghiệp
Chọn loại đăng ký thay đổi
Bước 4: Nhập các thông tin cần thiết vào “Khối dữ liệu” và tải tài liệu đính kèm
Bước 5: Ký số/xác thực và nộp hồ sơ vào Phòng Đăng ký kinh doanh.
Vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hướng dẫn thực hiện dịch vụ khôi phục tình trạng pháp lý cho doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp nhanh chóng và hiệu quả nhất. Quý khách lưu ý rằng, với những trường hợp khôi phục theo đề nghị của Cơ quan thuế, quý khách cần hoàn thiện các nghĩa vụ thuế trước khi được khôi phục tình trạng hoạt động. Do vậy, Luật Việt An có riêng một bộ phận thực hiện chức năng đại lý thuế, sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp để hoàn thiện dịch vụ một cách hiệu quả nhất.
Những lưu ý cần thiết
Xác định chính xác tình trạng pháp lý của doanh nghiệp: Chủ doanh nghiệp cần xác định rõ doanh nghiệp của mình đang thuộc tình trạng gì. Việc xác định chính xác tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sẽ giúp lựa chọn phương án và thủ tục phù hợp;
Xác định rõ nguyên nhân vi phạm: Chủ doanh nghiệp cần xác định rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mất cân bằng. Việc này giúp chủ doanh nghiệp đưa ra biện pháp giải quyết triệt để và hạn chế tái phạm vi phạm;
Kiểm tra thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thuế: Tình trạng “không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” hoặc “đóng mã số thuế” sẽ cần xử lý để đảm bảo tính hợp lệ khi hoạt động trở lại.
Hoàn thành nghĩa vụ thuế: Chủ doanh nghiệp cần hoàn thành mọi nghĩa vụ về thuế, báo cáo tài chính, báo cáo sử dụng hóa đơn, nếu có nợ thuế phải thanh toán hoặc xin gia hạn.
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan: Chủ doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp, hồ sơ về nghĩa vụ và các tài liệu có liên quan.
Chủ động làm việc với cơ quan nhà nước: Sau khi phát hiện tình trạng pháp lý của doanh nghiệp gặp vấn đề, chủ doanh nghiệp cần chủ động liên hệ, trình bày vấn đề một cách trung thực và thể hiện thiện chí muốn khắc phục; nộp đầy đủ hồ sơ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng và thường xuyên kiểm tra tình trạng hồ sơ và phản hồi kịp thời nếu có yêu cầu bổ sung.
Đảm bảo tuân thủ sau khi phục hồi: Khôi phục tình trạng pháp lý chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là duy trì sự tuân thủ trong tương lai. Chủ doanh nghiệp cần chủ động rà soát và hoàn thiện quy trình nội bộ, cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ của bản thân và nhân viên; tiến hành kiểm tra pháp lý nội bộ định kỳ để sớm phát hiện và xử lý các rủi ro.
Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn về doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!