Ngày 29/6/2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Luật Bảo hiểm xã hội là căn cứ pháp lý chủ yếu quy định về chế độ bảo hiểm xã hội. Sau đây, Luật Việt An sẽ khái quát những nội dung đáng chú ý của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
Khái quát Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
Số hiệu: 41/2024/QH15;
Ngày ban hành: 29/06/2024;
Ngày hiệu lực: 01/07/2025.
Văn bản hết hiệu lực:
Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Văn bản bị sửa đổi bổ sung:
Bộ luật Lao động 2019.
Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Luật Việc làm 2013.
Luật Người cao tuổi năm 2009.
Những nội dung chính của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện;
Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội;
Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội;
Trợ cấp hưu trí xã hội;
Đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội;
Các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện;
Quỹ bảo hiểm xã hội;
Bảo hiểm hưu trí bổ sung;
Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội;
Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia. Tính chất bắt buộc của bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện qua: đối tượng tham gia, mức phí và phương thức đóng phí, các chế độ hưởng.
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các đối tượng theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Có thể khái quát thành các nhóm đối tượng chính sau:
Một trong những điểm mới tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước;…
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng;
Đối tượng trên nhưng đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.
Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội
Các loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bao gồm:
Trợ cấp hưu trí xã hội
Trợ cấp hưu trí xã hội có các chế độ sau đây:
Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng;
Hỗ trợ chi phí mai táng;
Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
Đây là chế độ mới được bổ sung theo quy định của Luật BHXH 2024. Theo đó, trợ cấp hưu trí xã hội là loại hình BHXH do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
Ốm đau;
Thai sản;
Hưu trí;
Tử tuất;
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
Trợ cấp thai sản;
Hưu trí;
Tử tuất;
Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, so với bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện không có chế độ bệnh nghề nghiệp và chế độ ốm đau. Điểm mới của Luật năm 2024 là bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.
Chế độ khác
Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Lưu ý: Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mặc dù là chế độ BHXH nhưng Luật BHXH 2024 không điều chỉnh trực tiếp mà chế độ này chịu sự điều chỉnh của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Mức đóng bảo hiểm xã hội
Mức đóng BHXH bắt buộc
Người lao động: Mức đóng hằng tháng chủ yếu bằng 8% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất, trừ một số trường hợp đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương vào quỹ hưu trí và tử tuất, đóng hằng tháng bằng 3% tiền lương vào quỹ ốm đau và thai sản.
Người sử dụng lao động: Mức đóng hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức đóng BHXH tự nguyện
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng: Hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; Một lần.
Nội dung của chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nội dung của chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Chương V của Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Cụ thể bao gồm những nội dung chính sau:
Chế độ ốm đau
Đối tượng, điều kiện hưởng chế độ ốm đau
Đối tượng được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;
Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;
Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.
Lưu ý người lao động không được hưởng chế độ ốm đau nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội.
Các quyền lợi của chế độ ốm đau
Thời gian hưởng chế độ ốm đau: tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần và căn cứ tùy vào điều kiện làm việc, thời gian đóng BHXH, thời gian điều trị bệnh, thời gian chăm sóc con ốm đau.
Trợ cấp ốm đau: bằng 100%/75%/65%/ 55%/50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tùy từng đối tượng theo Khoản 2 Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội.
Dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau: Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày trong một năm.
Chế độ thai sản
Đối tượng, điều kiện hưởng chế độ thai sản
Đối tượng được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Lao động nữ mang thai;
Lao động nữ sinh con;
Lao động nữ mang thai hộ;
Lao động nữ nhờ mang thai hộ;
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con.
Các quyền lợi của chế độ thai sản
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai: Điều 51;
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung: Điều 52;
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con: Điều 53;
Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ: Điều 54;
Chế độ thai sản của lao động nữ nhờ mang thai hộ: Điều 55;
Chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Điều 56;
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai: Điều 57;
Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Điều 58;
Trợ cấp thai sản: Điều 59;
Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản: Điều 60.
Chế độ hưu trí
Đối tượng, điều kiện hưởng chế độ hưu trí
Người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;
Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Như vậy, Luật BHXH 2024 đã giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của nhiều người hơn, nhất là những người tham gia BHXH muộn.
Quyền lợi của chế độ hưu trí
Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định được tính như sau:
Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Ngoài ra, lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu.
Chế độ tử tuất
Đối tượng hưởng chế độ tử tuất của người tham gia BHXH bị chết là thân nhân; người thừa kế; tổ chức, cá nhân lo mai táng tùy từng đối tượng.
Theo đó, các quyền lợi của chế độ mai táng bao gồm:
Trợ cấp mai táng một lần: bằng 10 lần mức tham chiếu tại tháng mà người tham gia BHXH chết.
Trợ cấp tuất hằng tháng: trong một số trường hợp tại Điều 86.
Trợ cấp tuất một lần: trong một số trường hợp tại Điều 87.
Nội dung của chế độ bảo hiểm tự nguyện
Nội dung của chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Chương VI của Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Cụ thể bao gồm những nội dung chính như sau:
Trợ cấp thai sản
Đối tượng hưởng trợ cấp thai sản có thể là Lao động nữ sinh con hoặc lao động nam có vợ sinh con.
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Đây là quy định mới lần đầu xuất hiện trong Luật BHXH.
Chế độ hưu trí
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu của chế độ BHXH tự nguyện.
So với chế độ hưu trí của BHXH bắt buộc, chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện có một số điểm khác như sau:
Không ưu tiên điều kiện hưởng lương hưu sớm đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chỉ quy định chung điều kiện khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
Không quy định riêng điều kiện hưởng, mức lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Không được giải quyết hưởng lương hưu trước tuổi.
Chế độ tử tuất
Khác với chế độ tử tuất của BHXH bắt buộc, chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện chỉ có trợ cấp tuất một lần, không có trợ cấp tuất hàng tháng. Theo đó, người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.
Lưu ý trường hợp vừa đóng BHXH bắt buộc vừa đóng BHXH tự nguyện
Theo Điều 111 Luật BHXH 2024, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:
Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nếu thuộc đối tượng quy định tại Điều 64, có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nếu thuộc đối tượng quy định tại Điều 65: Điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên: Hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên: Hưởng trợ cấp mai táng theo chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trên đây là những nội dung đáng chú ý của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định về bảo hiểm xã hội, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!