Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty kinh doanh bất động sản
Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện các hoạt động như xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích lợi nhuận. Đây là hoạt động kinh doanh được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, những nhà đầu tư nước ngoài có dự định góp vốn vào công ty kinh doanh bất động sản sẽ cần lưu ý về các thủ tục pháp lý cần thực hiện trước khi tiến hành góp vốn. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến các thủ tục pháp lý nêu trên để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào công ty kinh doanh bất động sản.
Những văn bản pháp lý tham khảo trong bài viết:
Luật Đầu tư 2014;
Luật Doanh nghiệp 2014;
Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014;
Các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty kinh doanh bất động sản:
Điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên:
Về hình thức đầu tư: góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty bất động sản;
Phạm vi hoạt động: một điểm đáng lưu ý là phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hẹp hơn so với nhà đầu tư trong nước, cụ thể, căn cứ theo Luật Kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài được hoạt động dưới các hình thức sau:
Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
Tỷ lệ sở hữu nhà, căn hộ chung cư có giới hạn, nội dung chi tiết tham khảo Điều 161 Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP;
Về tỷ lệ sở hữu vốn: các văn bản pháp luật hiện hành không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn, như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty kinh doanh bất động sản.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn dẫn đến tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ công ty trên 51% thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn.
Hồ sơ đăng ký góp vốn gồm có:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài ủy quyền cho người khác thực hiện thì cần có giấy ủy quyền hoặc ủy quyền thông qua hợp đồng dịch vụ.
Trình tự thủ tục đăng ký góp vốn:
Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên và nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở;
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ; Phòng đăng ký đầu tư sẽ xem xét và ra thông báo chấp thuận nếu việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là hợp lệ. Trường hợp việc góp vốn không hợp lệ, Phòng đăng ký đầu tư sẽ ra văn bản nêu rõ lí do.
Sau khi nhận được chấp thuận từ Phòng đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiến hành góp vốn vào công ty kinh doanh bất động sản thông qua việc lập một tài khoản đầu tư ở một ngân hàng thương mại Việt Nam. Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mong muốn thành lập công ty kinh doanh bất động sản thay vì góp vốn vào công ty đang hoạt động tại Việt Nam, trình tự thủ tục gồm các bước: Xin Quyết định chủ trương đầu tư từ cơ quan có thẩm quyền (Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh tùy thuộc vào quy mô và các yếu tố khác của dự án đầu tư) và Giấy chứng nhận đầu tư è Thành lập công ty kinh doanh bất động sản. Thủ tục này tốn nhiều thời gian và phức tạp hơn so với góp vốn vào công ty do trải qua giai đoạn xin chủ trương đầu tư.
Mọi thủ tục nhà nước liên quan đến hoạt động góp vốn vào công ty kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, vui lòng liên hệ công ty luật Việt An để biết thêm thông tin chi tiết.