Những điều cần biết khi gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam
Tạm giữ, tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người đang bị tạm giữ, người bị tạm giam. Do đó, nhằm đảm bảo quyền của người đang bị tạm giữ, người bị tạm giam, pháp luật quy định các đối tượng này có quyền được thăm gặp thân nhân, người bào chữa cũng như được tiếp xúc lãnh sự. Trong bài biết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin về thủ tục gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam.
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015;
Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015;
Thông tư số 34/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ Công an quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.
Người đang bị tạm giữ, tạm giam là những đối tượng nào?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Căn cứ Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, bao gồm:
Bị can, bị cáo.
Người bị kết án phạt tù.
Người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án.
Người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
Những người được phép gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam
Theo Khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định người đang bị tạm giữ, tạm giam có thể gặp những cá nhân là nhân thân, người bài chữa hoặc tiếp xúc lãnh sự.
Về đối tượng
Nhân thân là các cá nhân:
Người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại.
Người có quan hệ bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng.
Người có quan hệ vợ, chồng.
Người có quan hệ anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể.
Người có quan hệ cháu ruột (người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại).
Tiếp xúc lãnh sự là các cá nhân:
Giữ vai trò viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.
Đáp ứng điều kiện là người nước ngoài, thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc thỏa thuận về từng trường hợp cụ thể giữa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo.
Người bào chữa là cá các nhân:
Luật sư được ủy quyền.
Trợ giúp viên pháp lý
Về mục đích
Thân nhân: Thăm gặp thân nhân.
Tiếp xúc lãnh sự: Đảm bảo yêu cầu đối ngoại, quyền lợi người nước ngoài. Tiếp xúc lãnh sự là việc tiếp xúc với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nếu cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý liên quan đến quốc tịch.
Người bào chữa: Để thực hiện bào chữa theo quy định
Về thời gian thăm, gặp
Thân nhân, tiếp xúc lãnh sự:
Người bị tạm giữ: một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.
Người bị tạm giam: một lần trong một tháng, gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ.
Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được gặp thân nhân một lần.
Trường hợp tăng thêm số lần gặp thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
Người dưới 18 tuổi có số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên.
Người bào chữa:
Người gặp phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
Sau khi nhận được văn bản phản hồi của cơ quan tiến hành tố tụng, trường hợp cần phải giám sát thì cơ sở giam giữ sẽ thông báo lại cho người có đề nghị và yêu cầu liên hệ lại với cơ quan tiến hành tố tụng xếp thời gian thăm gặp.
Về địa điểm
Thân nhân: Buồng thăm gặp của cơ sở giam giữ.
Tiếp xúc lãnh sự, người bào chữa: Buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định cần biết về việc thực hiện gặp người bị tạm giữ, tạm giam
Theo khoản 2 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA thủ tục xin gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam sẽ được tiến hành như sau:
Bước 1: Người có yêu cầu chuẩn bị đơn xin thăm, gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam và các giấy tờ có liên quan.
Đơn xin thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam sẽ bao gồm các nội dung về thông tin cá nhân của người làm đơn (họ tên, địa chỉ, số CCCD,…); địa chỉ cơ sở tạm giam, tạm giữ; thông tin cá nhân của người bị tạm giữ, tạm giam (họ tên, địa chỉ, thông tin cha mẹ, thời gian bị bắt và thời gian chuyển vào Trại tạm giữ, tạm giam, hành vi bị khởi tố,…); quan hệ giữa các bên; lý do yêu cầu thăm, gặp.
Bước 2: Giao nộp, xuất trình đơn và các giấy tờ có liên quan.
Căn cứ theo khoản 1, 3 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA, khi đến thăm gặp, người có yêu cầu phải giao nộp đơn xin thăm, gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam và xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
Đối với thân nhân
Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân);
Đơn xin gặp phạm nhân (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập);
Giấy tờ tùy thân (trường hợp người đến gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh). Giấy tờ tùy thân bao gồm CCCD, hộ chiếu; Giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; Giấy khai sinh với người dưới 14 tuổi.
Giấy tờ xác nhận về quan hệ (trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị của chính quyền địa phương xác nhận). Giấy tờ bao gồm Giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, giấy chứng nhận nuôi con nuôi…
Thẻ nghề nghiệp (Thẻ ngoại giao trong trường hợp là viên chức lãnh sự, ngoại giao);
Giấy giới thiệu về việc tiếp xúc lãnh sự.
Đối với người bào chữa
Giấy tờ tùy thân (Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân);
Thẻ nghề nghiệp (Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp là người bào chữa);
Giấy giới thiệu/Giấy ủy quyền về việc bào chữa;
Văn bản thông báo người bào chữa.
Trên cơ sở các tài liệu đã được cung cấp, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho các cá nhân có yêu cầu và cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Đặc biệt trong trường hợp không phải thân nhân, việc thăm gặp phải được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Bước 3: Thực hiện việc thăm, gặp người bị tạm giữ, tạm giam trên cơ sở tuân thủ các quy định của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
Việc thăm gặp dưới sự theo dõi của cơ sở giam giữ, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự; tuân thủ quy định về thăm gặp.
Người đến gặp người phải chấp hành đúng nội quy và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ. Trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc đình chỉ việc thăm gặp. Không được phép trực tiếp đưa vật gì cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, việc gửi quà được thực hiện theo quy trình riêng.
Số lượng thân nhân thăm gặp trong mỗi lần không quá 03 người; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia. Được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thiết bị hỗ trợ giao tiếp nếu bị hạn chế về khả năng nghe, nói nhưng phải được kiểm tra.
Lưu ý: Đối với trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài thì theo khoản 5 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; khoản 1 Điều 12 Nghị định 120/2017/NĐ-CP, việc thăm gặp vẫn được thực hiện theo thủ tục, thời gian nêu trên.
Các trường hợp không được thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 34/2017/TT-BCA, Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong một số trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do: Không đủ giấy tờ, có văn bản đề nghị không cho thăm gặp do có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; khi có dịch bệnh; nguời bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên; người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật.
Nếu vi phạm quy định về việc thăm gặp, sẽ bị xử lý như thế nào?
Tại Điều 8 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định về trách nhiệm của người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam có trách nhiệm chấp hành đúng Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp; có thái độ văn minh, lịch sự, trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Trường hợp vi phạm bị cán bộ cơ sở nhắc nhở hoặc đình chỉ việc thăm gặp.
Việc người bào chữa thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam có phải làm đơn xin thăm gặp hay không?
Theo khoản 2 Điều 22 Luật và hướng dẫn của các cơ sở giam giữ thì người bào chữa muốn thăm gặp phải làm văn bản thông báo đến trại giam về việc thăm gặp. Sau khi nhận được văn bản, trại giam sẽ làm văn bản xin ý kiến của cơ quan đang thụ lý vụ án để xem có cần phải giám sát hay không. Sau khi nhận được văn bản phản hồi của cơ quan tiến hành tố tụng, trường hợp cần phải giám sát thì trại giam sẽ thông báo lại cho người bào chữa biết và yêu cầu liên hệ lại với cơ quan tiến hành tố tụng để xếp thời gian vào thăm gặp.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ tư vấn thủ tục gặp người đang bị tạm giữ, tạm giam vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả nhất!