Phạm vi hoạt động của chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
Chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Với sự đa dạng về ngành nghề và quy mô, các chi nhánh này đã góp phần đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiê, khác với chi nhánh của công ty trong nước, thương nhân nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện đặc thù khi thực hiện thủ tục mở chi nhánh tại Việt Nam theo các quy định pháp luật riêng biệt. Bên cạnh đó, hoạt động của các chi nhánh công ty nước ngoài cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và quản lý cần được giải quyết. Để hỗ trợ quý khách hàng, Công ty Luật Việt An xin đưa ra bài viết Phạm vi hoạt động của chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam sau đây.
Điều kiện để có thể thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài
Ngoài ra, tại Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập chi nhánh đối với thương nhân nước ngoài như sau:
Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật;
Thương nhân nước ngoài đã được hoạt động không dưới 05 năm kể từ khi thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp;
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương còn thời hạn ít nhất 01 năm kể từ ngày đề nghị thành lập;
Nội dung hoạt động của chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
Trường hợp các nội dung hoạt động của chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.
Cam kết của Việt Nam về nội dung hoạt động của chi nhánh
Hiện nay, Việt Nam tham gia rất nhiều cam kết thương mại quốc tế và mở cửa gần như tất cả các ngành dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ áp dụng theo phạm vi quốc tịch của các quốc gia tham gia cam kết. Do vậy, các cam kết WTO với phạm vi áp dụng rộng nhất vẫn là văn bản thường xuyên được áp dụng.
Biểu cam kết WTO của Việt Nam hiện chưa cam kết việc thành lập chi nhánh, trừ khi có quy định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể. Từ năm 2010, một số ngành nghề được cho phép mở chi nhánh theo biểu cam kết Việt Nam trong khuôn khổ WTO bao gồm một số mã ngành sau:
Lĩnh vực
Mã CPC
Dịch vụ pháp lý, không bao gồm:
– Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước Tòa án Việt Nam;
– Dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.
CPC 861
Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan
CPC 841-845, CPC 849
Dịch vụ tư vấn quản lý
CPC 865
Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý
CPC 866, trừ CPC 86602
Thi công xây dựng nhà cao tầng
CPC 512
Dịch vụ nhượng quyền thương mại
CPC 8929
Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 19 Luật Thương mại 2005, quyền của chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của chi nhánh.
Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập chi nhánh và theo quy định của Luật này.
Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Có con dấu mang tên chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 20 Luật Thương mại 2005 như sau:
Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
Báo cáo hoạt động của chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chi nhánh của công ty nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về an ninh, trật tự, an toàn lao động, điều kiện sức khỏe và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Các chi nhánh không được phép cho vay hay cho thuê lại trụ sở chính của họ.
Phạm vi hoạt động của chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ theo Điều 31 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định về nội dung hoạt động của chi nhánh cụ thể như sau:
Chi nhánh hoạt động cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập chi nhánh trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp chi nhánh hoạt động trong các ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện thì chi nhánh chỉ được hoạt động khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Theo biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, Bộ Công thương đã công bố các lĩnh vực hoạt động của nhà đầu tư nước nước ngoài được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam như sau:
STT
Các Ngành/phân ngành
Cơ quan quản lý chuyên ngành
1
Dịch vụ pháp lý
Bộ Tư pháp
2
Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan
Bộ Thông tin và Truyền thông
3
Dịch vụ tư vấn quản lý
Bộ Công Thương
4
Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý
Bộ Công Thương
5
Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan
Bộ Xây dựng
6
Dịch vụ nhượng quyền thương mại
Bộ Công Thương
7
Dịch vụ tài chính
A- Dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm
B- Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác
C- Dịch vụ chứng khoán
Bộ Tài chính,
Ngân hàng nhà nước
Một số lưu ý khi thành lập chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
Về việc thành lập chi nhánh
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, Cơ quan cấp phép có quyền từ chối cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho thương nhân nước ngoài trong những trường hợp sau:
Không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 8 Nghi định này đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh;
Thương nhân nước ngoài đăng ký thành lập chi nhánh mới trong vòng 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép trước đó;
Thương nhân nước ngoài bị hạn chế thành lập chi nhánh vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng;
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, mỗi thương nhân nước ngoài chỉ được thành lập tối đa một chi nhánh trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam.
Đối với người đứng đầu chi nhánh
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, người đứng đầu chi nhánh không được kiêm nhiệm các chức danh sau:
Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài khác;
Người đứng đầu Văn phòng đại diện của cùng một thương nhân nước ngoài;
Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của chi nhánh của mình tại Việt Nam.
Trên đây là toàn bộ thông tin quy định về phạm vi hoạt động của chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về chi nhánh công ty nước ngoài vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!