Phân biệt vốn điều lệ của tổ chức thực hiện dự án, vốn đầu tư của dự án
Khi thành lập công ty tại Việt Nam, nhà đầu tư quan tâm đến số lượng tiền cần phải bỏ ra để đầu tư, số vốn tối thiểu là bao nhiêu. Các nhà đầu tư cũng có nhiều câu hỏi về vốn điều lệ là gì, vốn đầu tư là gì, có phải vốn điều lệ chính là vốn đầu tư hay không. Bài viết sau đấy công ty Luật Việt An sẽ giải đáp các thắc mắc này cho các nhà đầu tư.
Căn cứ pháp lý
Luật Doanh nghiệp 2020.
Luật Đầu tư 2020.
Điểm giống nhau giữa Vốn điều lệ và Vốn đầu tư
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020:
“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.”
Theo quy định của Luật đầu tư 2020:
“Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.”
“Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động”
Như vậy, điểm giống nhau ở đây của Vốn điều lệ và Vốn đầu tư cùng là tài sản hoặc tiền mặt mà nhà đầu tư dùng vào để hoạt động kinh doanh.
Phân biệt Vốn điều lệ và Vốn đầu tư
Vốn điều lệ
Khái niệm về Vốn điều lệ thường được sử dụng trong các công ty vốn Việt Nam được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Vốn điều lệ là vốn đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập của thành viên, cổ đông công ty. Trong quá trình hoạt động, Công ty có thể đăng ký tăng hoặc giảm vốn điều lệ và phải làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Vốn điều lệ có thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và ghi nhận tại Điều lệ của doanh nghiệp.
Vốn đầu tư
Đối với các công ty vốn nước ngoài, Vốn đầu tư được sử dụng rộng rãi hơn. Trong khi Vốn điều lệ được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp này chính là tổ chức thực hiện dự án đầu tư có thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vốn đầu tư bằng vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án cộng với vốn huy động.
Thời hạn góp vốn của nhà đầu tư được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với dự án thành lập mới, thời hạn này thông thường đúng bằng thời hạn góp vốn điều lệ: 90 ngày để từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức thực hiện dự án.
Một doanh nghiệp kinh doanh có thể có nhiều dự án, mỗi dự án được ghi nhận số vốn đầu tư vào dự án riêng biệt.
Như vậy, sự khác nhau giữa Vốn điều lệ và Vốn góp của nhà đầu tư trong vốn đầu tư như sau:
Có trường hợp vốn điều lệ bằng với vốn góp của nhà đầu tư. Thông thường khi nhà đầu tư thành lập mới dự án và thực hiện thành lập tổ chức thực hiện dự án (thành lập doanh nghiệp) vốn góp của nhà đầu tư sẽ bằng với vốn điều lệ. Vốn góp của nhà đầu tư tối thiểu bằng vốn điều lệ để nhà đầu tư có tài sản góp đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức thực hiện dự án. Tuy vậy, không thể hiểu mặc định trong trường hợp này vốn điều lệ sẽ bằng vốn góp của nhà đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể tăng vốn góp của nhà đầu tư vào dự án mà không cần tăng vốn điều lệ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An về Phân biệt vốn điều lệ của tổ chức thực hiện dự án, vốn đầu tư của dự án. Quý khách có bất cứ thắc mắc nào liên quan vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất.