Hiện nay, trong quá trình hội nhập, các tranh chấp thương mại quốc tế cũng diễn ra thường xuyên. Điều này đặt ra nhu cầu làm quen với các phương thức giải quyết tranh chấp như hòa giải, trọng tài. Do đó, công ty Luật Việt An cung cấp đến Quý khách bài viết: Phân loại hòa giải thương mại như sau.
Căn cứ pháp lý
Luật trọng tài thương mại năm 2010;
Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Hòa giải thương mại là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.”
Như vậy, hòa giải thương mại được hiểu là một phương thức để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Các tranh chấp kinh doanh, thương mại nảy sinh chủ yếu giữa các chủ thể thực hiện các hoạt động có mục tiêu sinh lợi với nhau, mà cụ thể là chủ yếu giữa thương nhân với nhau hoặc ít nhất một bên chủ thể tranh chấp là thương nhân. Do đó, hoà giải thương mại có thể được hiểu như sau:
Hoà giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập. Các tranh chấp này nảy sinh chủ yếu liên quan tới các hoạt động có mục tiêu sinh lợi. Quá trình giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải thương mại được thực hiện theo một trình tự thủ tục tự nguyện và bảo mật, đòi hỏi sự tham gia của các bên tranh chấp cùng với một bên thứ ba trung lập (hoà giải viên thương mại) do các bên thống nhất lựa chọn. Hoà giải viên thương mại trợ giúp các bên tranh chấp đạt được một sự đồng thuận trên cơ sở tự quyết.
Phân loại hòa giải thương mại
Phân loại theo hình thức hòa giải
Dù có được gọi tên rõ ràng hay không thì các quốc gia trên thế giới khi quy định về hoà giải thương mại, đều ghi nhận hai hình thức hoà giải theo tư cách của tổ chức hoà giải (quy chế) hoặc hoà giải theo tư cách cá nhân (vụ việc). Theo quy định pháp luật hiện hành, Việt Nam công nhận hai hình thức hoà giải thương mại bao gồm: Hoà giải thương mại quy chế và hoà giải thương mại vụ việc.
Hòa giải thương mại quy chế
Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP: “Hòa giải thương mại quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp lại một tổ chức hoà giải thương mại và theo quy tắc hòa giải của tổ chức đó”. Tại Việt Nam, khi các bên lựa chọn hình thức hoà giải thương mại quy chế, các bên có thể lựa chọn một Trung tâm hoà giải thương mại hoặc Trung tâm trọng tài có đăng ký hoạt động hoà giải thương mại.
Tổ chức hoà giải thương mại là một pháp nhân có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tổ chức hoà giải có danh sách hoà giải viên, có trụ sở, có quy tắc hoà giải và quy tắc đạo đức và ứng xử của hoà giải viên. Hình thức hòa giải thương mại này có những ưu điểm và nhược điểm sau:
Ưu điểm của việc sử dụng hoà giải thương mại quy chế là các bên sẽ được tổ chức hoà giải có những hỗ trợ chuyên nghiệp từ danh sách hoà giải viên với những thông tin và sự đảm bảo về tư cách của hoà giải viên này, tới quy tắc, quy trình hoà giải và các hỗ trợ về hành chính, tư vấn khác.
Nhược điểm của hoà giải thương mại quy chế đó là các bên có thể sẽ phải chịu sự chi phối cao hơn từ phía tổ chức hoà giải như: Phải tuân thủ quy tắc hoà giải của tổ chức, nếu các bên muốn một quy trình thủ tục khác thì tổ chức hoà giải có thể từ chối giải quyết tranh chấp. Ngoài ra các bên phải chấp nhận chỉ trả chi phí cho vụ tranh chấp được xác định từ phía tổ chức hoà giải bằng một biểu phí cố định.
Hòa giải thương mại vụ việc
Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP: “Hòa giải thương mại vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp do hoa giải viên thương mại được các bên lựa chọn tiến hành theo quy định của Nghị định và thỏa thuận của các bên”. Hoà giải viên giải quyết vụ tranh chấp với tư cách độc lập và không trực thuộc tổ chức hoà giải.
Khi các bên tranh chấp cùng lựa chọn hình thức hoà giải thương mại vụ việc, các bên sẽ chọn những hoà giải viên thương mại với tư cách cá nhân mà không thông qua bất kỳ tổ chức nào. Hình thức hòa giải thương mại này có ưu điểm và nhược điểm như sau:
Ưu điểm của hoà giải vụ việc là các bên ít chịu sự chi phối từ một pháp nhân, mà làm việc trực tiếp với một hoặc một số hòa giải viên theo nhu cầu của mình. Đối với hình thức hoà giải này, các bên có thể áp dụng quy trình được pháp luật quy định hoặc áp dụng một quy tắc của một tổ chức hòa giải cụ thể hoặc tự thoả thuận xây dựng một thủ tục phù hợp.
Nhược điểm của hòa giải vụ việc là ở chỗ không có một tổ chức đứng ra để giải quyết vụ tranh chấp, nên tính chuyên nghiệp có khả năng không được đảm bảo dẫn đến việc các bên mất thêm thời gian và chi phí mà lại không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Phân loại theo phương pháp hòa giải
Bên cạnh cách phân loại dựa trên hình thức hòa giải và được pháp luật ghi nhận, vẫn còn tồn tại cách phân loại dựa trên phương pháp hòa giải. Việc phân loại theo phương pháp hòa giải nhằm xác định cách thức mà hòa giải viên sử dụng đối với mỗi vụ việc. Các loại hòa giải được gọi tên sau không được chuyển hóa vào các quy định của pháp luật. Hiện nay, một số phương pháp hòa giải được nhắc đến như sau:
Hoà giải đàn xếp (settlement mediation): Hay còn gọi là hoà giải thoả hiệp (compromise mediation), là phương pháp hoà giải mà theo đó hoà giải viên sẽ khuyến khích các bên thoả hiệp được mâu thuẫn chung để đạt được thoả thuận hoà giải thành. Trong mô hình hoà giải này, hoà giải viên có thể là luật sư mà không nhất thiết là hoà giải viên chuyên nghiệp bởi sự can thiệp của hòa giải viên đối với việc giải quyết tranh chấp là khá thấp
Hoà giải tạo điều kiện thuận lợi (facilitative mediation): Là phương pháp hoà giải mà các bên được khuyến khích đàm phán dựa trên những nhu cầu và lợi ích hơn là dựa vào các quy định pháp luật cứng nhắc.
Hoà giải chuyển đổi (transformative mediation): Là phương pháp hoà giải theo đó các bên được khuyến khích giải quyết vấn đề vướng mắc với thái độ và mục đích nhằm cải thiện mối quan hệ. Ở phương pháp hoà giải này, mục đích chính không hẳn là phải đưa ra được một thoả thuận cuối cùng (settlement) mà chủ yếu nhấn mạnh vào việc đưa ra các giải pháp (resolution) nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các bên.
Hoà giải đánh giá (evaluative mediation): Là phương pháp hoà giải mà các bên được khuyến khích đạt được thoả thuận theo những quyền và nghĩa vụ được quy định bởi pháp luật. Hòa giải đánh giá là phương pháp hòa giải đem đến kết quả thường rất gần với cách xử lý của Trọng tài hay Tòa án, nhưng được tiến hành với phương pháp mềm dẻo.
Vai trò của hòa giải thương mại
Góp phần nâng cao mức độ đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho các thương nhân
Quyền được lựa chọn hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp là một trong những phân quyền của quyền tự do kinh doanh. Hòa giải thương mại có đầy đủ ưu điểm để đảm bảo quyền tự định đoạt cho các bên trong việc giải quyết tranh chấp. Đồng thời quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải có thể hạn chế tới mức tối đa sự gián đoạn của quá trình kinh doanh; bảo vệ uy tín, bí mật cho các nhà kinh doanh. Do đó, hòa giải thương mại là một phương thức đảm bảo rất tốt quyền tự do kinh doanh của thương nhân.
Giảm tải gánh nặng cho hệ thống Tòa án
Việc phát triển hoà giải thương mại là một giải pháp tốt để giảm tải công việc xét xử cho hệ thống Toà án, tiết kiệm chi phí xã hội. Hòa giải thương mại phát triển, tạo thêm một sự lựa chọn cho thương nhân khi có tranh chấp xảy ra, hạn chế các vụ kiện tranh chấp thương mại tại Toà án, tránh lãng phí thời gian, công sức và tài chính cho cả thương nhân và Nhà nước.
Trên đây là bài viết trình bày chi tiết về vấn đề phân loại hòa giải thương mại. Nếu có bất kì khó khăn vướng mắc liên quan tới vấn đề hòa giải thương mại, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn chi tiết!