Nhãn hiệu là tài sản vô hình quý giá của doanh nghiệp. Việc bảo vệ nhãn hiệu là một trong những ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhãn hiệu không chỉ là một cái tên, mà còn là biểu tượng đại diện cho uy tín và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Việc mất nhãn hiệu đồng nghĩa với việc mất đi một phần giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Nhãn hiệu được đăng ký và tồn tại dưới sự bảo hộ của nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định, kết thúc khoảng thời gian này doanh nghiệp phải thực hiện gia hạn nhãn hiệu tuy nhiên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng gia hạn nhãn hiệu muộn. Vậy hậu quả pháp lý khi gia hạn nhãn hiệu muộn là gì? Luật Việt An sẽ tư vấn cho Quý khách thông qua bài viết dưới đây.
Hiệu lực của nhãn hiệu
Căn cứ theoĐiều 93, 94 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 hiệu lực của nhãn hiệu được quy định như sau:
Hiệu lực về không gian
Nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hiệu lực về thời gian
Bắt đầu từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn 10 năm.
Thời gian gia hạn nhãn hiệu
Thời gian tiêu chuẩn theo quy định pháp luật
Để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, công ty cổ phần phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Thời gian nộp chậm có thể được chấp nhận
Trường hợp doanh nghiệp quên nộp đơn yêu cầu gia hạn trong thời hạn quy định nêu trên thì công ty cổ phần vẫn có thể nộp đơn yêu cầu gia hạn muộn nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực.
Nhãn hiệu hết hạn có được thông báo không?
Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ theo dõi tình trạng nhãn hiệu của mình và chủ động thực hiện thủ tục gia hạn trong vòng 6 tháng trước khi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hạn. Việc không thực hiện gia hạn sau 6 tháng kể từ khi văn bàng hết hiệu lực sẽ không được chấp nhận, khi đó chủ sở hữu sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý khi không gia hạn nhãn hiệu.
Hậu quả pháp lý khi gia hạn nhãn hiệu muộn
Nộp thêm lệ phí gia hạn hiệu lực muộn
Lệ phí gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu: 100.000 đồng/Nhãn hiệu;
Phí thẩm định yêu cầu gia hạn: 160.000 đồng/Nhãn hiệu;
Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng/01 đơn gia hạn;
Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng/Nhãn hiệu;
Phí sử dụng nhãn hiệu: 700.000 đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.
Nếu doanh nghiệp gia hạn muộn thì phải chịu hậu quả pháp lý khi gia hạn nhãn hiệu muộn là phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.
Nguy cơ mất quyền sở hữu nhãn hiệu
Nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ gia hạn nhãn hiệu trong khoảng thời gian cho phép của pháp luật, doanh nghiệp có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý nặng nề nhất là mất quyền sở hữu nhãn hiệu:
Hết hiệu lực: Khi hết hạn đăng ký mà không được gia hạn, nhãn hiệu sẽ tự động mất hiệu lực và trở thành tài sản chung, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký sử dụng.
Mất quyền độc quyền: Doanh nghiệp sẽ mất quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu, không thể ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự.
Trường hợp quá thời gian gia hạn muộn cho phép
Quá thời hạn gia hạn luật định, chủ sở hữu sẽ bị coi là mất quyền sở hữu đối với nhãn hiệu đã đăng ký. Tuy vậy, nhãn hiệu vẫn được bảo hộ về tính đối chứng trong vòng 03 năm sau khi nhãn hiệu hết hạn (quy định cũ trước năm 2022 là 05 năm). Trường hợp này, nếu chủ sở hữu muốn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu của mình cần thực hiện đăng ký lại nhãn hiệu trong thời hạn 03 năm trên.
Thủ tục nộp nộp gia hạn nhãn hiệu khi gia hạn nhãn hiệu muộn
Hồ sơ nộp gia hạn nhãn hiệu khi gia hạn nhãn hiệu muộn
Cơ quan thực hiện
Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ
Nộp hồ sơ
Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thời hạn giải quyết
01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu gia hạn:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định gia hạn hiệu lực nhãn hiệu, ghi nhận vào nhãn hiệu (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hồ sơ yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định; Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng.
Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Lưu ý: Sau khi thủ tục gia hạn đã hoàn tất, trường hợp công ty cổ phần (chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào nhãn hiệu thì công ty cổ phần phải thực hiện thủ tục sửa đổi nhãn hiệu và nộp phí, lệ phí theo quy định.
Lưu ý khi gia hạn đăng ký nhãn hiệu
Việc gia hạn có thể thực hiện với tất cả các nhóm sản phầm/dịch vụ tại thời điểm đăng ký hoặc chỉ gia hạn với những nhóm sản phẩm/dịch vụ hiện còn đang cung ứng.
Đối với tổ chức, cá nhân cần gia hạn hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu đối với nhiều nhãn hiệu khác nhau trong cùng thời điểm, một tờ khai gia hạn, tổ chức, cá nhân có thể đăng ký gia hạn cho nhiều Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khác nhau.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về hậu quả pháp lý khi gia hạn nhãn hiệu muộn. Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào khác liên quan đến gia hạn nhãn hiệu, xin hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Xin chân thành cảm ơn Quý khách!