Trước khi ký hợp đồng lao động chính thức, người sử dụng lao động và người lao động thường sẽ cùng nhau giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc là hợp đồng nhằm đảm bảo cho người lao động được hưởng những quyền lợi nhất định khi chưa có hợp đồng chính thức. Trong hợp đồng thử việc sẽ có những nội dung cụ thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, công việc đảm nhận, quyền và nghĩa vụ các bên,.. Đặc biệt trong hợp đồng thử việc, mức lương cũng được các bên giao kết, thỏa thuận ghi nhận. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp một số tư vấn pháp lý cho quý khách hàng những quy định về mức lương của hợp đồng thử việc.
Khái quát quy định về hợp đồng thử việc
Hợp đồng thử việc là gì?
Hợp đồng thử việc là hợp đồng được soạn thảo riêng hoặc được bao gồm trong hợp đồng lao động được giao kết giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) nhằm mục đích đánh giá khả năng phù hợp của nhân viên trong khoảng thời gian chính trước khi ký kết hợp đồng lao động chính thức.
Bản chất của hợp đồng thử việc
Hợp đồng thử việc là sự thỏa thuận của người lao động với người sử dụng lao động về công việc làm thử trước khi có thể làm chính thức. Trong quá trình thử việc, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện các quy định và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng thử việc. Đây là giai đoạn quyết định khả năng được tuyển dụng chính thức hay không của NLĐ và quyết định sự hợp tác, gắn bó lâu dài giữa NLĐ với NSDLĐ.
Thời hạn của hợp đồng thử việc
Thời gian thử việc được ghi trong hợp đồng thử việc dựa vào thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thời gian thử việc do các bên thỏa thuận phải căn cứ dựa vào tính chất, mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện dưới đây:
Đối với công việc của một người quản lý doanh nghiệp thì thời gian thử việc không quá 180 ngày;
Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên có thời gian thử việc không quá 60 ngày;
Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ thì có thời gian thử việc không quá 30 ngày;
Đối với công việc khác không thuộc các nhóm trên, những công việc này chủ yếu không đòi hỏi trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao và cũng không đòi hỏi bằng cấp hay còn gọi là công việc đơn giản, không cần thời gian thử việc dài nên thời gian thử việc thống nhất không quá 6 ngày.
Nội dung của hợp đồng thử việc
Tùy theo quy định, tính chất hoạt động của từng công ty mà hợp đồng thử việc sẽ mang những nội dung khác nhau. Tuy nhiên, các nội dung chính của hợp đồng thử việc bao gồm:
Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
Công việc và địa điểm làm việc;
Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Quy định về việc chấm dứt hợp đồng thử việc
Theo Khoản 1 Điều 27 Bộ Luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định kết thúc thời gian thử việc cũng như chấm dứt hợp đồng thử việc như sau:
Đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc là 180 ngày/ 60 ngày/30 ngày thì trong thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động sẽ phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động;
Đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc 06 ngày thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động sẽ phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động;
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì sau khi kết thúc thời gian thử việc ghi trên hợp đồng thử việc thì người sử dụng lao động và người lao động tiến hành ký hợp đồng lao động chính thức;
Tuy nhiên, trong quá trình thử việc mà người lao động thấy công việc đang làm không phù hợp với bản thân thì có thể tự ý nghỉ việc hoặc người sử dụng lao động cảm thấy người lao động không đáp ứng yêu cầu công việc đã thỏa thuận thì có thể cho người lao động nghỉ việc bất cứ lúc nào mà không cần báo trước và cũng không phải bồi thường.
Quy định về mức lương của hợp đồng thử việc
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Lao động thử việc vẫn được trả lương, cụ thể được quy định tại Điều 26 Bộ Luật Lao động, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc chính.
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc có thể được tính bằng công thức sau:
Ltv ≥ Lct x 85%
Trong đó:
Ltv: là tiền lương người lao động được nhận trong thời gian thử việc;
Lct: là mức thỏa thuận lương chính thức của công việc.
Ví dụ: Công ty A tuyển dụng vị trí nhân viên kinh doanh với mức lương chính thức là 08 triệu đồng/tháng. Khi thử việc vị trí nhân viên kinh doanh, người lao động sẽ nhận được ít nhất: 85% x 08 triệu đồng = 6,8 triệu đồng. Tuy nhiên, người lao động cũng có thể trả với mức lương thử việc cao hơn số tiền 6,8 triệu đồng này.
Theo đó, khi chấm dứt hợp đồng thử việc với người lao động, công ty có trách nhiệm trả lương đầy đủ cho người lao động thử việc trong những ngày người lao động đã làm việc với mức lương theo thỏa thuận nhưng ít nhất bằng 85% mức lương công việc chính trong những ngày mà người lao động đã làm việc.
Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm thỏa thuận về lương của hợp đồng thử việc người lao động nên làm gì?
Các hình thức xử phạt đối với người sử dụng lao động vi phạm
Nếu người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ lương, trả lương không đúng hạn khi chấm dứt hợp đồng thử việc với người lao động sẽ bị xử phạt với hình thức phạt tiền theo các mức phạt căn cứ vào số lượng người lao động bị ảnh hưởng theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP cụ thể như sau:
Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Nếu người sử dụng lao động có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu cũng sẽ bị phạt tiền như sau:
Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Bên cạnh hình thức phạt tiền, người sử dụng lao động có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động thử việc tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Phương thức giải quyết
Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng thử việc, nếu có xảy ra vi phạm về vấn đề lương, người lao động sẽ được pháp luật bảo vệ. Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp của mình, người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện theo đúng hợp đồng đã giao kết, theo các quy định pháp luật.
Khiếu nại Chánh Thanh tra Sở Nội vụ.
Trường hợp công ty từ chối giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.
Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết: 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động.
Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết
Giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn và khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động.
Thời hiệu yêu cầu: 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.
Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khởi kiện tại Tòa án
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.
Tuy nhiên, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Trên đây là phân tích về quy định về mức lương của hợp đồng thử việc. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!