Trong quá trình làm việc, không ít trường hợp người lao động phải tạm thời nghỉ việc vì lý do cá nhân hoặc các vấn đề ngoài mong muốn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người lao động nghỉ việc cũng được hưởng lương, một số trường hợp pháp luật quy định người lao động nghỉ không được hưởng lương. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn quy định về người lao động nghỉ không lương.
Quy định về người lao động nghỉ không lương trong các trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ không lương trong các trường hợp:
Trường hợp nghỉ do bận công việc
Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết;
Cha hoặc mẹ kết hôn;
Anh, chị, em ruột kết hôn.
Theo đó, người lao động được nghỉ 01 ngày không lương trong các trường hợp trên và phải thông báo với người sử dụng lao động. Pháp luật không quy định hình thức thông báo cụ thể nên người lao động có thể chọn thông báo bằng điện thoại, emal, tin nhắn,…
Quy định này thể hiện tính nhân văn cao, vì nó tôn trọng các mối quan hệ gia đình, đồng thời tạo sự linh hoạt cho người lao động. Việc nghỉ 1 ngày không hưởng lương trong các trường hợp này là một giải pháp hợp lý, vì nó không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc của doanh nghiệp mà vẫn tạo điều kiện cho người lao động thực hiện các nghĩa vụ gia đình.
Cần lưu ý trường hợp nghỉ do công việc sau được xác định là nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương, cụ thể:
Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Trường hợp thỏa thuận giữa hai bên
Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Pháp luật không quy định hình thức thỏa thuận nên người lao động có thể trao đổi bằng lời, bằng văn bản hoặc hình thức khác, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.
Người sử dụng lao động có được từ chối cho người lao động xin nghỉ không lương?
Như đã phân tích, người sử dụng lao động chỉ buộc phải cho người lao động nghỉ không lương khi người thân chết hoặc kết hôn, người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện cho người lao động nghỉ không hưởng lương theo đúng quy định mà không được từ chối. Tuy nhiên, người lao động chỉ được nghỉ duy nhất 01 ngày. Nếu muốn nghỉ thêm hoặc không lương vì lý do khác thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ.
Thời gian nghỉ không lương trong trường hợp thỏa thuận không bị pháp luật giới hạn, nhưng phải có sự đồng thuận giữa cả hai bên. Người sử dụng lao động có quyền từ chối thỏa thuận nghỉ không lương của người lao động mà không bị coi là vi phạm pháp luật.
Người lao động nghỉ không hưởng lương có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Do đó, nếu người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho tháng đó. Ngược lại, nếu tổng thời gian nghỉ không hưởng lương trong tháng của người lao động dưới 14 ngày làm việc thì người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Cần lưu ý, theo quy định mới tại Khoản 5 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), người lao động không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng gần nhất.
Thời gian nghỉ không lương có được tính là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động không?
Tại khoản 4 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động, trong đó bao gồm thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
Theo quy định trên thì thời gian nghỉ không lương nếu có sự đồng ý của công ty thì thời gian này vẫn được tính là thời gian làm việc để tính số ngày phép năm của người lao động. Tuy nhiên, thời gian cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
Nghỉ không hưởng lương có phải là nội dung chủ yếu của nội quy lao động không?
Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. Theo điểm aKhoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 69. Nội quy lao động
Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động gồm những nội dung chủ yếu sau:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương;…”
Như vậy, nghỉ không hưởng lương là nội dung chủ yếu của nội quy lao động và người sử dụng lao động phải quy định rõ trong nội quy lao động.
Hết thời gian thai sản thì lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương không?
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Theo Khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019, hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Như vậy, lao động nữ có thể ghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi hết thời gian nghỉ thai sản nhưng phải thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động vi phạm quy định về người lao động nghỉ không lươngthì bị phạt như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
“Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;…”
Như vậy, nếu không cho người lao động nghỉ không lương với những trường hợp được phép nghỉ theo quy định, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.
Trên đây là tư vấn quy định về người lao động nghỉ không lương. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp luật lao động, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!