Một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh đó là đặt tên địa điểm kinh doanh. Tên của địa điểm kinh doanh không chỉ là dấu hiệu nhận biết của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp gây ấn tượng cho khách hàng, đồng thời cũng chính là thương hiệu của doanh nghiệp để giúp khách hàng có thể nhận diện và phân biệt được doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, việc đặt tên của địa điểm kinh doanh cũng phải tuân thủ theo đúng những quy định của pháp luật. Vậy làm sao để có thể đặt tên địa điểm kinh doanh đúng và phù hợp với quy định về tên địa điểm kinh doanh công ty mà pháp luật quy định? Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày những nội dung pháp lý liên quan đến việc đặt tên địa điểm kinh doanh.
Căn cứ pháp lý
Luật Doanh nghiệp năm 2020;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP;
Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.
Địa điểm kinh doanh
Theo quy định tại khoản 7, Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh được hiểu là cơ sở cố định để tiến hành hoạt động kinh doanh, không bao gồm cơ sở cung cấp tạm thời hàng hóa hay dịch vụ.
Thẩm quyền thành lập địa điểm kinh doanh công ty
Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi mà doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và phê duyệt việc thành lập địa điểm kinh doanh công ty.
Quy định về tên địa điểm kinh doanh công ty
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản có liên quan, tên của chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.
Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn địa điểm kinh doanh.
Ngoài tên bằng tiếng Việt, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.
Một số ví dụ về tên địa điểm kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật
Địa điểm kinh doanh Công ty TNHH thực phẩm Việt An.
Khách sạn Sao Mai – Địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ SB.
Hồ sơ thông báo thành lập địa điểm kinh doanh
Để có thể thực hiện đăng ký địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
Thông báo lập địa điểm kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-7 (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong thông báo bao gồm các nội dung như sau:
Mã số của doanh nghiệp;
Tên, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp/ tên, địa chỉ chi nhánh của doanh nghiệp (trong trường hợp địa điểm kinh doanh đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở);
Tên của địa điểm kinh doanh;
Địa chỉ của địa điểm kinh doanh.
Văn bản uỷ quyền cho người thực hiện hồ sơ (trong trường hợp uỷ quyền cho nguời khác thực hiện) và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được uỷ quyền.
Trình tự, thủ tục thông báo thành lập địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tuyến
Doanh nghiệp truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để đăng ký tài khoản và đăng nhập thông qua đường link sau: dangkyquamang.dkkd.gov.vn
Bước 1:
Chuẩn bị hồ sơ như đã nêu ở trên.
Scan các tài liệu trong hồ sơ.
Chọn phương thức nộp hồ sơ: (nộp bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh).
Bước 2: Chọn loại đăng ký trực tuyến: ở đây lựa chọn thành lập mới doanh nghiệp/ đơn vị trực thuộc.
Bước 3: Chọn loại hình đăng ký: đăng ký địa điểm kinh doanh. Sau đó tiến hành nhập thông tin của doanh nghiệp.
Bước 4: Tải tài liệu đã scan ở bước 1 lên hệ thống.
Bước 5: Tiến hành kiểm tra lại thông tin, nếu thông tin đã đúng thì ký xác thực và tiến hành nộp hồ sơ.
Lưu ý: Hồ sơ chỉ được tiếp nhận khi có đầy đủ các yêu cầu sau:
Hồ sơ phải có đầy đủ các giấy tờ và nội dung của giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định đối với hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt đồng thời với tên các giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy. Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người đại diện ký tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP;
Nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp đã kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải đầy đủ và chính xác theo những thông tin trong hồ sơ đăng ký bản giấy và có đủ thông tin về địa chỉ liên hệ và email của người nộp hồ sơ;
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người được người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp ủy quyền tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 12 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
Cách 2: Nộp hồ sơ trực tiếp
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Doanh nghiệp tiến hành chuẩn bị một bộ hồ sơ như đã nêu ở trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ.
Doanh nghiệp đến nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị tại Phòng đăng ký kinh doanh.
Chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy biên nhận.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.
Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ.
Lưu ý: Hồ sơ chỉ được tiếp nhận khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau đây:
Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP;
Tên của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 40 của Luật Doanh nghiệp;
Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
Đã nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Các công việc cần làm sau khi thành lập địa điểm kinh doanh
Sau khi đã thành lập xong địa điểm đăng ký kinh doanh thành công, doanh nghiệp cần phải tiến hành một số công việc như sau:
Treo biển hiệu tại địa điểm kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp tiến hành kê khai và đóng thuế môn bài theo đúng quy định của pháp luật trong trường hợp doanh nghiệp không được miễn thuế.
Tiến hành kê khai, báo cáo thuế tại cơ quan thuế quản lý của địa điểm kinh doanh nếu phát sinh hoạt động kinh doanh (trong trường hợp địa điểm kinh doanh khác tỉnh so với trụ sở chính hoặc chi nhánh của doanh nghiệp).
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan đến quy định về tên địa điểm kinh doanh công ty hoặc có nhu đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!