Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm, bao gồm các yếu tố như hình khối, đường nét, màu sắc, hoa văn… tạo nên sự độc đáo và thu hút về mặt thẩm mỹ cho sản phẩm đó. Do đó, việc đăng ký và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không chỉ đảm bảo sự độc quyền mà còn giúp tăng cường giá trị thương mịa và hỗ trợ tiếp thị doanh nghiệp. Xác định tính mới là bước quan trọng để đảm bảo kiểu dáng được bảo hộ một cách hiệu quả, tránh bị sao chép và cạnh tranh không lành mạnh. Bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ làm rõ những quy định về tính mới của kiểu dáng công nghiệp theo pháp luật hiện hành.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung một số Điều năm 2022) kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Quy định về tính mới của kiểu dáng công nghiệp
Tính mới của kiểu dáng công nghiệp là gì?
Tại Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tính mới của kiểu dáng công nghiệp như sau:
“Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.”
Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
Ví dụ: Một nhà thiết kế ra mắt mẫu bàn chải đánh răng với tay cầm thiết kế công thái học độc đáo, nhưng chi tiết này đã được công khai trên triển lãm quốc tế, thì mẫu bàn chải này sẽ không còn được coi là mới nữa.
Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố:
Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký
Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học
Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Điều kiện xác định tính mới của kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu thõa mãn các điều kiện sau:
Kiểu dáng mới phải có những đặc điểm độc đáo, khác biệt rõ rệt so với các kiểu dáng đã tồn tại.
Sự khác biệt này có thể thể hiện ở hình dáng, đường nét, hoa văn, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này và không được tìm thấy trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc.
Khi so sánh tổng thể bằng mắt thường, tính mới của một kiểu dáng công nghiệp được đánh giá qua việc so sánh tổng thể hình dáng bên ngoài của sản phẩm với các kiểu dáng đã được đăng ký.
Ví dụ: Khi thiết kế một chiếc áo sơ mi, so với kiểu dáng cũ là áo sơ mi truyền thống thường có cổ áo đứng, tay áo dài, và form dáng khá cứng nhắc thì kiểu dáng mới được thiết kế với cổ áo trễ, tay áo ngắn, chất liệu xuyên thấu và họa tiết in hình động vật. Sự kết hợp độc đáo này tạo nên một phong cách hoàn toàn mới lạ so với áo sơ mi truyền thống.
Kiểu dáng sẽ không được công nhận là mới nếu nó đã bị bộc lộ công khai trước đó, dưới bất kỳ hình thức nào như:
Kiểu dáng đã được sử dụng trong sản xuất hoặc kinh doanh và được mô tả chi tiết trong các tài liệu, báo cáo, sách vở…
Kiểu dáng đã được công bố trên các phương tiện truyền thông, internet, hoặc tại các triển lãm.
Một kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ khi nó chưa từng bị tiết lộ thông qua bất kỳ hình thức công khai nào, bao gồm giới thiệu, mô tả bằng văn bản, trưng bày hoặc biểu diễn trước ngày nộp đơn.
Ví dụ: Một nhà thiết kế thời trang đã tạo ra một mẫu váy dạ hội rất đẹp và độc đáo. Nhà thiết kế này đã cho người mẫu mặc mẫu váy này tham gia một cuộc thi thời trang và có rất nhiều hình ảnh của mẫu váy được đăng tải trên các tạp chí thời trang và trang web của cuộc thi. Sau đó, nhà thiết kế muốn đăng ký bảo hộ kiểu dáng cho mẫu váy này. Tuy nhiên, do mẫu váy đã được công bố rộng rãi, nên kiểu dáng này sẽ không được bảo hộ.
Thời điểm bộc lộ phải trước ngày nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc trước ngày ưu tiên. Công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố.
Ví dụ: Công ty A đã thiết kế một mẫu giày thể thao hoàn toàn mới vào ngày 15/03/2023. Họ đã giới thiệu sản phẩm này tại một sự kiện lớn vào ngày 20/03/2023 và bắt đầu bán hàng từ ngày 01/04/2023. Trong trường hợp này, thời điểm bộc lộ kiểu dáng công nghiệp là ngày 20/03/2023 (ngày giới thiệu sản phẩm). Để bảo hộ kiểu dáng này, công ty A cần nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trước ngày 20/03/2024. Nếu công ty A nộp đơn sau ngày này, kiểu dáng có thể bị xem là đã được công khai trước đó và không còn được bảo hộ độc quyền.
Xử lý vi phạm tính mới của kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bao gồm:
Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời
Mọi hành vi sử dụng, sao chép, bắt chước kiểu dáng đã được cấp bằng bảo hộ, bao gồm cả những kiểu dáng tương tự có tính chất nguyên gốc, đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu của chủ sở hữu kiểu dáng đó.
Như vậy nếu vi phạm tính mới bị phát hiện, cơ quan sở hữu trí tuệ có quyền hủy bỏ quyết định cấp đăng ký bảo hộ cho kiểu dáng đó, chủ sở hữu sẽ mất đi quyền độc quyền đối với kiểu dáng, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể sử dụng kiểu dáng đó mà không cần xin phép.
Tùy theo mức độ vi phạm, chủ sở hữu có thể phải chịu các hình phạt hành chính hoặc dân sự, như phạt tiền, bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng. Do đó, để tránh vi phạm về tính mới người đăng ký kiểu dáng cần tiến hành tìm kiếm thông tin kỹ lưỡng để đảm bảo kiểu dáng của mình là hoàn toàn mới và bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An về tính mới của kiểu dáng công nghiệp. Quý khách có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!