Hiện nay, căn hộ du lịch là một mô hình kinh doanh mới và thu hút rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với số lượng nhu cầu của khách hàng hiện nay, việc thuê căn hộ du lịch ngày càng phổ biến. Để thực hiện thủ tục này, các bên khi tham gia giao dịch cần phải ký kết hợp đồng thuê căn hộ du lịch. Sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin về soạn thảo hợp đồng thuê căn hộ du lịch theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015;
Luật Kinh doanh bất động sản 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
Luật Du lịch 2017;
Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP, Nghị định 94/2021/NĐ-CP.
Căn hộ du lịch là gì?
Căn hộ du lịch được gọi bằng tiếng anh là Condotel. Condotel là từ được viết tắt của hai nửa từ tiếng Anh là “condominium và hotel”, có ý nghĩa được dịch ra tiếng Việt là “căn hộ khách sạn hay là căn hộ du lịch”.
Theo quy định của pháp luật tại Điều 48 Luật du lịch và Điều 21 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP, thì căn hộ du lịch được liệt kê và xếp vào các loại cơ sở lưu trú du lịch. Theo đó, căn hộ du lịch được hiểu là căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch và khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
Như vậy, xét về khía cạnh pháp lý và thực tế, căn hộ du lịch là nơi phục vụ khách du lịch lưu trú trong thời gian nhất định, không dùng để ở lâu dài.
Hợp đồng thuê căn hộ du lịch
Hợp đồng thuê căn hộ du lịch là văn bản ghi lại sự thoả thuận của các bên về việc thuê căn hộ du lịch. Đây cũng là một trong những căn cứ để ràng buộc trách nhiệm của các bên khi tham gia vào giao dịch, đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết những tranh chấp, rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Quy định chung của pháp luật về căn hộ du lịch
Theo Khoản 3 Điều 21 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 hướng dẫn Luật du lịch quy định: “Căn hộ du lịch có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú”;
Theo Khoản 1 Điều 24 của Nghị định 168/NĐ-CP ngày 31/12/2017, được sửa đổi bổ sung theo Khoản 3 Điều 5 của Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018, thì quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch là phải có: “Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh; và có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới”;
Căn hộ du lịch được hiểu như một bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân Sự. Việc sửa chữa, xây dựng hay quản lý cũng sẽ tuân thủ hoàn toàn theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đất đai hay các vấn đề khác có liên quan;
Loại đất dùng để xây dựng căn hộ du lịch là đất thương mại dịch vụ, có thời hạn sở hữu 50 năm theo thời hạn giao đất đối với đất được nhà nước giao đất. Căn hộ du lịch được sử dụng với mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ hoàn toàn khác với đất ở sử dụng lâu dài, ổn định.
Điều kiện của các bên tham gia hợp đồng thuê căn hộ du lịch
Bên cho thuê căn hộ du lịch
Bên cho thuê trong hợp đồng thuê căn hộ du lịch phải có điều kiện sau đây:
Là chủ sở hữu căn hộ hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về căn hộ theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự;
Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
Bên thuê căn hộ du lịch
Bên thuê của hợp đồng thuê căn hộ du lịch là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:
Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
Bên thuê trong hợp đồng thuê căn hộ du lịch là tổ chức thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập;
Nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Hình thức của hợp đồng thuê căn hộ du lịch
Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định về các loại Hợp đồng kinh doanh bất động như sau “Việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê lại bất động sản và chuyển nhượng dự án bất động sản phải lập thành hợp đồng theo mẫu quy định dưới đây”. Theo đó, bên cạnh một số mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản khác, hợp đồng thuê căn hộ du lịch bắt buộc phải theo mẫu số 02 của Nghị định này. Như vậy, khi thực hiện việc bán căn hộ du lịch, chủ đầu tư bắt buộc phải áp dụng mẫu đã được ban hành theo Nghị định số 02/2022/NĐ-CP.
Lưu ý
Hợp đồng mà có một bên là chủ đầu tư, có chức năng kinh doanh bất động sản thì không bắt buộc phải công chứng. Do đó, tùy vào từng đối tượng mà có phải công chứng, chứng thực hợp đồng hay không.
Nội dung của hợp đồng thuê căn hộ du lịch
Nội dung trong hợp đồng thuê căn hộ du lịch có thể gồm những điều khoản sau:
Thông tin của các bên
Tên tổ chức, cá nhân;
Địa chỉ;
Số điện thoại liên hệ;
Số tài khoản ngân hàng và ngân hàng (nếu có);
Nếu bên cho thuê là cá nhân thì không cần có các nội dung về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Thông tin về căn hộ du lịch
Vị trí căn hộ du lịch (số căn hộ, tầng, thuộc tòa nào…), địa chỉ căn hộ; diện tích sử dụng căn hộ du lịch/căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú; diện tích sàn xây dựng; mục đích sử dụng căn hộ du lịch; năm hoàn thành xây dựng; phần diện tích khác được thuê cùng với căn hộ (như chỗ để xe, diện tích sàn thương mại, dịch vụ, …)
Giấy tờ pháp lý của căn hộ du lịch: hồ sơ, giấy tờ về đất đai; hồ sơ, giấy tờ về xây dựng; hồ sơ, giấy tờ về đầu tư dự án;
Thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến căn hộ du lịch;
Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng căn hộ du lịch;
Các thông tin khác (nếu có).
Giá thuê căn hộ du lịch, kinh phí bảo trì, phương thức thanh và thời hạn thanh toán
Các bên thỏa thuận giá thuê căn hộ du lịch (chưa bao gồm VAT), kinh phí bảo trì, bảo hành;
Phương thức thanh toán: trả tiền mặt hoặc chuyển khoản;
Thời hạn thanh toán: Thanh toán một lần hoặc nhiều lần; đối với mỗi lần thanh toán thì các bên thỏa thuận cụ thể thời gian thanh toán.
Quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê
Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê thanh toán đủ tiền theo thời hạn và phương thức đã được thỏa thuận trong hợp đồng, yêu cầu bên thuê bồi thường thiệt hại do lỗi của bên thuê gây ra, đơn phương chấm dứt hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp 2 bên thỏa thuận hoặc theo qui định của pháp luật.
Bên cho thuê có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực về căn hộ du lịch và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp, trường hợp bên cho thuê không thông báo mà bên thuê phát hiện ra thì bên thuê có quyền hủy hợp đồng; giao căn hộ du lịch theo đúng tiến độ, chất lượng và các điều kiện đã thỏa thuận kem theo hồ sơ và các giấy tờ hướng dẫn sử dụng khác; bảo hành căn hộ du lịch đã bán theo thỏa thuận của 2 bên. Bên cho thuê có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra, thực hiện nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của bên thuê
Bên thuê có quyền được nhận căn hộ du lịch kèm theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các giấy tờ liên quan; yêu cầu bên cho thuê hoàn thành các thủ tục cho thuê và có trách nhiệm bảo hành đối với căn hộ du lịch. Yêu cầu bên cho thuê bồi thường thiệt hại do việc bàn giao căn hộ du lịch không đúng thời hạn, chất lượng hoặc không đúng cam kết trong hợp đồng; đơn phương chấm dứt hợp đồng theo thảo thuận của 2 bên hoặc do pháp luật quy định.
Bên thuê có nghĩa vụ thanh toán tiền đúng thời hạn theo phương thức đã thỏa thuận, nhận căn hộ du lịch kèm theo đầy đủ giấy tờ và hồ sơ theo đúng chất lượng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng, sử dụng căn hộ theo đúng công năng thiết kế.
Thuế và các khoản phí, lệ phí phải nộp
Các bên liệt kê các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp, đồng thời thỏa thuận bên phải thực hiện việc nộp các khoản thuế, phí và lệ phí trên.
Các điều khoản khác
Các bên tự thỏa thuận thêm về các điều khoản khác.
Tư vấn về hình thức của hợp đồng thuê căn hộ du lịch;
Tư vấn quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;
Tư vấn các nội dung khác của hợp đồng thuê căn hộ du lịch;
Tư vấn sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hay thanh lý hợp đồng thuê căn hộ du lịch;
Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê căn hộ du lịch;
Hỗ trợ/đại diện khách hàng khiếu nại, khởi kiện khi quyền lợi bị xâm phạm.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ về soạn thảo hợp đồng thuê căn hộ du lịch, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.