Thông báo kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Hiện nay, bên cạnh hoạt động quảng cáo trong nước, thì hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam ngày càng phát triển. Hoạt động quảng cáo xuyên biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh minh bạch, hiệu quả, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có trách nhiệm thực hiện thủ tục thông báo hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về thông báo kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là gì?
Theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Nghị định số 123/2018/NĐ-CP, Nghị định số 11/2019/NĐ-CP, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung), hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Theo đó:
Trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh, hình ảnh, tạo diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thì cần tiến hành thông báo tới cơ quan nào?
Theo Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tiến hành thủ tục thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Lưu ý: Trước đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận và xử lý thông báo kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện nay, hợp nhất Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ thành Bộ Khoa học Công nghệ và chuyển Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Như vậy, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo về kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Nội dung phải thông báo khi kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới
Khi kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo những nội dung sau:
Tên tổ chức.
Tên giao dịch.
Địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam.
Đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.
Thủ tục thông báo kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Bước 1: Gửi thông báo đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thời điểm gửi: 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Thành phần hồ sơ gồm:
Văn bản thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Giấy ủy quyền (nếu có);
Hình thức gửi: tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Thông tin liên hệ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử:
Địa chỉ liên hệ : Tầng 9, Tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện, 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Bước 2: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, doanh nghiệp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
Lưu ý nghĩa vụ báo cáo khi kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Theo Điều 15 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện báo cáo như sau:
Báo cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31 tháng 12);
Báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Báo cáo gửi cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo Mẫu số 01 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam
Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Quảng cáo năm 2012, Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ như sau:
Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 15 ngày trước khi kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam;
Không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2025, được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022;
Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền;
Cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Không thông báo về những nội dung kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam bị xử lý như nào?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 13 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP, đối với hành vi không thông báo về những nội dung theo quy định cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thì sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt trên là mức phạt dành cho cá nhân, mức phạt sẽ gấp đôi với tổ chức trên theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn về thông báo kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các thủ tục pháp lý liên quan đến quảng cáo, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!