Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân)
Đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán là thủ tục kiểm toán viên tiến hành đăng ký với với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán thì kiểm toán viên sẽ được gọi là kiểm toán viên hành nghề, đồng thời, khi kiểm toán viên hành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì được gọi là hành nghề kiểm toán. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng những tư vấn pháp lý khái quát về thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân).
Điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán đối với cá nhân
Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật.
Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu (36) tháng trở lên tính từ ngày có Chứng chỉ kiểm toán viên.
Có hợp đồng lao động làm toàn thời gian tại một doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận.
Đủ giờ cập nhật kiến thức theo quy định của Bộ Tài chính.
Không thuộc các trường hợp bị cấm hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán
Theo Điều 16 Luật Kiểm toán độc lập 2011 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi 9 Luật 2024), những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán thuộc các trường hợp:
Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
Viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Người đã bị kết án một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán, kiểm toán mà chưa được xóa án tích;
Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;
Người có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị theo quy định của Bộ Tài chính.
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân)
Nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân)
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân) bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
Họ và tên, năm sinh, quê quán hoặc quốc tịch, ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;
Số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;
Số và ngày cấp chứng chỉ kiểm toán viên;
Tên doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đăng ký hành nghề;
Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
Thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân)
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán có thời hạn tối đa là 5 năm (60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
Lưu ý
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân)
Để đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân) thì cần thực hiện theo các thủ tục và chuẩn bị hồ sơ theo quy định của Bộ Tài chính.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Khi sử dụng dịch vụ của Luật Việt An, quý khách hàng sẽ được hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán, bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư 202/2012/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2024/TT-BTC). Luật Việt An theo đề nghị của khách hàng sẽ hỗ trợ soạn thảo Đơn đề nghị khi khách hàng cung cấp các thông tin:
Thông tin cá nhân: Họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quê quán;
Thông tin CCCD, hộ chiếu, CMND (số, ngày cấp, nơi cấp);
Thông tin liên lạc (địa chỉ nơi ở hiện tại, hộ khẩu thường trú, số diện thoại, email,…);
Thông tin quá trình làm việc gồm chức danh, cơ quan công tác (kê khai từ thời điểm tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hành nghề);
Thông tin chứng chỉ kiểm toán viên (số, ngày cấp);
Số giờ cập nhật kiến thức của kiểm toán viên tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức;
Các hình thức đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán (ghi rõ hình thức bị xử phạt, số Quyết định xử phạt và cơ quan ra Quyết định xử phạt, ngày chấp hành xong quyết định xử phạt (nếu có);
Các thông tin nếu tham gia làm người đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh, công việc khác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
Giấy xác nhận về thời gian thực tế làm kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04/ĐKHN hoặc tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán hoặc Bản giải trình kèm theo tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán.
Bản thông tin cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05/ĐKHN.
Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.
Bản sao Chứng chỉ kiểm toán viên.
Hai ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.
Bản sao Quyết định thôi việc hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước doanh nghiệp kiểm toán.
Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của kiểm toán viên là người nước ngoài trừ trường hợp pháp luật lao động Việt Nam quy định không cần phải có giấy phép lao động.
Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức của kiểm toán viên tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức.
Lưu ý về chứng chỉ:
Khi chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên đã được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác, thì Bộ Tài chính có trách nhiệm khai thác và sử dụng thông tin về chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác trên cơ sở trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Các văn bằng, chứng chỉ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt đã được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ và lệ phí
Người đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán. Kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán. Doanh nghiệp kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề của kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm xem xét, rà soát hồ sơ bảo đảm các kiểm toán viên đủ điều kiện đăng ký hành nghề tại tổ chức mình và ký xác nhận trên Đơn đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên.
Doanh nghiệp kiểm toán đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06/ĐKHN theo hồ sơ đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên. Hồ sơ gửi trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Tài chính.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 271/2016/TT-BTC, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu là 1.200.000 đồng/lần thẩm định; cấp lại là 800.000 đồng/lần thẩm định.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Bộ Tài chính (Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán) tiếp nhận hồ sơ và thẩm định hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo, cụ thể:
Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu kiểm toán viên hoặc doanh nghiệp kiểm toán giải trình hoặc cung cấp tài liệu (sổ bảo hiểm xã hội, tài liệu khác) phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.
Trường hợp kiểm toán viên không bổ sung tài liệu giải trình hoặc tài liệu giải trình không chứng minh đầy đủ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề là xác thực, Bộ Tài chính có quyền từ chối đăng ký hành nghề kiểm toán. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đảm bảo đủ điều kiện, Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định. Ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không sớm hơn ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.
Trên đây là phân tích về thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (cá nhân). Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!