Thủ tục thành lập bệnh viện đa khoa

Sự phát triển về kinh tế dẫn đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được đẩy mạnh hơn. Với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng, các bệnh viện đa khoa cũng được thành lập nhiều hơn. Luật Việt An xin cung cấp cho các quý khách hàng những thông tin về thủ tục thành lập bệnh viện đa khoa theo quy định của pháp luật hiện hành.

ĐKKD - Thành lập bệnh viện

Cơ sở pháp lý

  • Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
  • Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
  • Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bệnh viện đa khoa là gì?

Bệnh viện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và có các nhiệm vụ chung sau: khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo cán bộ; nghiên cứu khoa học; chỉ đạo tuyến; phòng bệnh; hợp tác quốc tế; quản lý kinh tế trong bệnh viện.

Bệnh viện đa khoa là những bệnh viện lớn, có thể xét nghiệm và chữa trị hầu hết các loại chứng bệnh, bao gồm nhiều chuyên khoa khác nhau.

Hồ sơ thành lập bệnh viện đa khoa

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 60 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập bệnh viện đa khoa bao gồm:

  • Đơn theo Mẫu 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP;
  • Bản sao hợp lệ quyết định thành lập bệnh viện đa khoa;
  • Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
  • Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề theo Mẫu 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP của người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp các giấy tờ này đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
  • Bản kê khai cơ sở vật chất, danh mục thiết bị y tế, danh sách nhân sự đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động tương ứng với từng hình thức tổ chức theo Mẫu 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP và các giấy tờ chứng minh, xác nhận các kê khai đó;
  • Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại cơ sở đó theo Mẫu 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP;
  • Văn bản do cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bệnh viện của nhà nước hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện tư nhân theo Mẫu 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
  • Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 51 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh, thì Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện đa khoa.

Thủ tục thành lập bệnh viện đa khoa

Sau khi đáp ứng các điều kiện cấp phép hoạt động, để được cấp giấy phép thành lập bệnh viện đa khoa, cơ sở khá chữa bệnh cần thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập và nộp phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đề nghị phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Cấp giấy phép thành lập

Cơ quan cấp giấy phép hoạt động tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở đề nghị và lập biên bản thẩm định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ;

  • Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải cấp mới giấy phép hoạt động và ban hành quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định;
  • Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải nêu rõ trong nội dung của biên bản thẩm định: cơ quan cấp giấy phép hoạt động phải có văn bản gửi cơ sở đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Bước 4: Công bố trên cổng thông tin điện tử

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động, cơ quan cấp giấy phép hoạt động công bố trên cổng thông tin điện tử của mình và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh các thông tin sau:

  • Tên, địa chỉ cơ sở được cấp giấy phép hoạt động;
  • Họ, tên và số giấy phép hành nghề người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật;
  • Số giấy phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn và thời gian hoạt động chuyên môn.

Điều kiện thành lập bệnh viện đa khoa

Để thành lập bệnh viện đa khoa, cơ sở thành lập cần đáp ứng các điều kiện sau:

Điều kiện về cơ sở vật chất

  • Có địa điểm cố định;
  • Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
  • Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;
  • Số lượng giường bệnh: tối thiểu 30 giường.

Điều kiện về trang thiết bị y tế

  • Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;
  • Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa;
  • Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế quy định tại điểm a, b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.

Điều kiện về tổ chức

  • Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu).
  • Khoa lâm sàng: Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa
  • Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh;
  • Khoa dược, các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.

Điều kiện về nhân sự

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, bệnh viện đa khoa cần đáp ứng các điều kiện về nhân sự như sau:

  • Có đủ người hành nghề theo quy mô, danh mục kỹ thuật và đạt tỷ lệ người hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian của cơ sở và có phạm vi hành nghề phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng, trừ trường hợp người hành nghề có chức danh là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
  • Người phụ trách bộ phận chuyên môn, đơn vị chuyên môn của bệnh viện đa khoa phải có giấy phép hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người hành nghề toàn thời gian tại bệnh viện đa khoa;
  • Người hành nghề phải được phân công công việc đúng phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Kỹ thuật y với phạm vi hành nghề xét nghiệm y học có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có người hành nghề đã được cấp giấy phép hành nghề với một trong các chức danh là bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm y học hoặc chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề xét nghiệm y học có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;
  • Kỹ thuật y với phạm vi hành nghề hình ảnh y học có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có người hành nghề đã được cấp giấy phép hành nghề với một trong các chức danh là bác sỹ chuyên khoa kỹ thuật hình ảnh y học hoặc chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề hình ảnh y học có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;
  • Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp giấy phép hành nghề (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, kỹ sư công nghệ sinh học, cử nhân công nghệ sinh học và các đối tượng khác, sau đây gọi là người làm việc) được phép thực hiện các hoạt động chuyên môn theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn và khả năng của người đó;
  • Trường hợp người hành nghề là giảng viên của cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe đồng thời làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở thực hành của cơ sở đào tạo đó thì được kiêm nhiệm làm lãnh đạo các khoa, bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phân loại bệnh viện đa khoa

Bệnh viện đa khoa được phân thành 05 hạng:

  • Bệnh viện Hạng I: phải đạt từ 90 điểm trở lên và thỏa mãn các điều kiện bắt buộc đối với bệnh viện hạng I;
  • Bệnh viện Hạng II: phải đạt từ 70 đến dưới 90 điểm và thỏa mãn các điều kiện bắt buộc đối với bệnh viện hạng II;
  • Bệnh viện Hạng III: phải đạt từ 40 đến dưới 70 điểm;
  • Bệnh viện Hạng IV: dưới 40 điểm;
  • Bệnh viện Hạng đặc biệt: những bệnh viện hạng 1 đạt 100 điểm và thỏa mãn các tiêu chuẩn xếp hạng đặc biệt.

Dịch vụ thành lập bệnh viện đa khoa của Luật Việt An

  • Tư vấn thành lập bệnh viện đa khoa;
  • Soạn thảo, hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép thành lập bệnh viện đa khoa;
  • Đại diện khách hàng thực hiện thủ tục xin cấp phép;
  • Nhận kết quả và bàn giao giấy phép đến cho khách hàng theo hợp đồng;
  • Hỗ trợ, tư vấn pháp lý thường xuyên cho khách hàng sau thành lập.

Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ hồ sơ, thủ thành lập bệnh viện đa khoa, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Thành lập công ty

    Thành lập công ty

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO