Ngày nay, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ngày càng cao nên ngành dịch vụ vận tải cũng phát triển nhanh chóng. Kinh doanh vận tải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Khi thành lập, doanh nghiệp cần tiến hành những thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Căn cứ pháp lý
Luật Giao thông đường bộ năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2018.
Luật Doanh nghiệp 2020.
Luật Đầu tư 2020.
Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP.
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư.
Kinh doanh vận tải là gì?
Kinh doanh vận tải là một trong những hình thức của hoạt động vận tải. Trong đó, kinh doanh vận tải đường bộ gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa.
Theo Điều 64 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2018 và Phụ lục của Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô, điều kiện kinh doanh được quy định cụ thể tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP.
Để tiến hành kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có thể tiến hành lựa chọn thành lập loại hình doanh nghiệp phù hợp: công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
Mã ngành nghề kinh doanh vận tải
STT
Tên ngành
Mã ngành
1.
Vận tải bằng xe buýt
4920
2.
Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt)
4931
3.
Vận tải hành khách đường bộ khác. Chi tiết:
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô
4932
4.
Vận tải hàng hóa bằng đường bộ
4933
5.
Kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
5210
6.
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ
5221
Hiện nay kinh doanh vận tải có thể dưới nhiều phương thức khác nhau, trong đó kinh doanh vận tải bằng ô tô là một trong những ngành nghề kinh doanh phổ biến. Do đó, dưới đây, bài viết sẽ tập trung phân tích thủ tục thành lập công ty kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cần tiến hành những thủ tục pháp lý sau:
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Thủ tục xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải vốn đầu tư nước ngoài là công ty do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam (FDI). Vì là dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nên trước khi tiến hành những thủ tục như thành lập doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tục này được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Thành phần hồ sơ
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Đề xuất dự án đầu tư. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An.
Thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 39 Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với công ty vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Trình tự thực hiện
Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện.
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Thủ tục thành lập công ty kinh doanh vận tải được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty kinh doanh vận tải bao gồm một số giấy tờ sau theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Điều lệ công ty.
Danh sách thành viên. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
Bản sao các giấy tờ pháp lý của tổ chức, cá nhân là thành viên/cổ đông công ty; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư.
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An.
Lưu ý, ngoài hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, có thể nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng thông tin điện tử.
Trình tự thực hiện
Trường hợp đăng ký trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính
Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử
Người nộp hồ sơ kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.
Doanh nghiệp nộp phí và gửi Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
Thủ tục xin Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô
Theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là Giấy phép kinh doanh). Đây là thủ tục doanh nghiệp cần thực hiện trước khi đi vào hoạt động kinh doanh vận tải thực tế. Thủ tục này được hướng dẫn tại Chương V Nghị định 10/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải bao gồm:
Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An.
Thẩm quyền
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trình tự thực hiện
Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.
Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia trước khi cấp Giấy phép kinh doanh.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Một số công ty kinh doanh vận tải ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam có thể kể đến một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải như:
Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận vận tải Quang Hưng.
Dịch vụ thành lập doanh nghiệp của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh vận tải các phương thức;
Soạn thảo văn bản, giấy tờ và hoàn thiện bộ hồ sơ cho khách hàng;
Đại diện cho khách hàng, tiến hành các thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trả lời phúc đáp;
Tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.