Số công bố thực phẩm là cơ sở để chứng minh chủ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã thực hiện nghĩa vụ công bố trước khi đưa vào lưu thông đến tay người tiêu dùng. Việc gắn số công bố trên bao bì của sản phẩm là yêu cầu của nhiều cơ sở bán lẻ thực phẩm nhằm tạo sự uy tín với người tiêu dùng về chất lượng của các sản phẩm cung cấp. Vậy làm cách nào để tra cứu số công bố thực phẩm đã được cấp hay chưa sau khi đã thực hiện nộp hồ sơ công bố? Hay làm thế nào để người tiêu dùng xác định số công bố này đã được xác thực hay chưa? Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ giới thiệu cách tra cứu số công bố thực phẩm hiện nay.
Quy định về công khai số công bố thực phẩm tại Nghị định 15
Thực phẩm qua chế biến, trước khi đến tay người tiêu dùng sẽ phải thực hiện một trong hai thủ tục: (i) tự công bố hoặc (ii) đăng ký bản công bố đến cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP) về thủ tục tự công bố sản phẩm:
“2. Việc tự công bố sản phẩm được thực hiện theo trình tự như sau:
a) Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm (Trong trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận, …)”
Đối với thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, Điều 8.5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định:
“5. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.”
Như vậy, trách nhiệm công khai tên và sản phẩm được công bố được đặt ra đối với:
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối với thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm;
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định đối với thủ tục tự công bố sản phẩm;
Cá nhân, thương nhân công bố đối với thủ tục tự công bố sản phẩm.
Hướng dẫn tra cứu tự công bố thực phẩm
Đối với thủ tục tự công bố, việc công bố sẽ được thực hiện trên trang thông tin điện tử đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường đồng thời với trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ tự công bố sẽ được chỉ định bởi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường đặt trụ sở. Do vậy Quý khách có thể tiến hành tra cứu trên trang thông tin điện tử của cơ quan này tại các tỉnh. Chẳng hạn:
Tại Hà Nội
Bước 1: Vào website trang thông tin điện tử của Sở Công thương thành phố Hà Nội tại địa chỉ: http://congthuong.hanoi.gov.vn/
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: Số 331 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Bước 2: Trong chuyên mục Công bố sản phẩm >> chọn ATTP lĩnh vực kinh doanh hoặc tại mục Công bố sản phẩm trên thanh công cụ >> chọn Danh sách sản phẩm tự công bố
Bước 3: Tìm Danh sách hoặc tra cứu tên sản phẩm.
Hiện nay việc công bố tại Sở Công thương thành phố Hà Nội được đăng tải theo danh sách, nên doanh nghiệp sẽ khó có thể tra cứu bằng hệ thống chung mà buộc phải dự kiến ngày đăng công bố dựa vào ngày nộp hồ sơ được chấp thuận của mình (ngày gần nhất).
Lưu ý:
Danh sách được tải về sẽ thống kê theo năm, bao gồm các thông tin về số công bố, ngày tiếp nhận hồ sơ, ngày đăng tải, thông tin tổ chức/ cá nhân chịu trách nhiệm, thông tin về sản phẩm và các sửa đổi bổ sung để người dùng dễ dàng tra cứu.
Tại thành phố Hồ Chí Minh
Bước 1: Truy vập vào website trang thông tin điện tử của Sở An toàn thực phẩm Hồ Chí Minh tại địa chỉ: http://sattp.hochiminhcity.gov.vn/
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: 18 Cách Mạng Tháng 8, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Sở An toàn thực phẩm Hồ Chí Minh có 10 Đội Quản lý An toàn thực phẩm đặt tại các quận/huyện.
Số điện thoại: 0283 601 6401 – Fax: 02839307033
Bước 2: Tại mục Tra cứu thông tin >> chọn Danh sách các sản phẩm doanh nghiệp tự công bố
Bước 3: Tra cứu thông tin sản phẩm theo các trường thông tin:
Tên Đơn Vị
Tên Sản Phẩm
Quận
Phường
Có thể thấy hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm công bố tại Cổng thông tin điện tử Hồ Chí Minh có phần tiện lợi hơn cho người dùng trong việc tra cứu số công bố thực phẩm của sản phẩm cụ thể thay vì chỉ tìm theo danh sách được công bố theo ngày. Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống này đó là chưa hiển thị thông tin về số công bố, các sửa đổi bổ sung nếu có.
Tại Đà Nẵng
Hệ thống tra cứu của thành phố Đà Nẵng có nhiều nét tương đồng với thành phố Hồ Chí Minh. Quý khách có thể tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Truy vập vào website trang thông tin điện tử của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ: https://antoanthucpham.danang.gov.vn/
Bước 2: Tại mục Chứng nhận ATTP trên thanh công cụ >> Chọn Sản phẩm tự công bố
Bước 3: Tra cứu tên sản phẩm theo các trường tra cứu.
Hướng dẫn tra cứu số tiếp nhận bản công bố thực phẩm
Số tiếp nhận bản công bố thực phẩm được công bố trong thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các thực phẩm:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Theo quy định hiện hành, cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ sẽ là:
Bộ Y tế đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm;
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Lưu ý: Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm của cả Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn nộp hồ sơ đến Bộ Y tế hoặc sản phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cơ quan nào thì nộp hồ sơ đăng ký đến cơ quan tiếp nhận đó.
Do vậy, Quý khách có thể tìm đến các trang thông tin điện tử của các cơ quan trên để tra cứu số đăng ký bản công bố thực phẩm đối với từng loại sản phẩm.
Đối với hồ sơ được nộp đến Bộ Y tế, theo đó người đăng ký và người tiêu dùng có thể tra cứu số tiếp nhận bản công bố thực phẩm tại website của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tại địa chỉ: https://nghidinh15.vfa.gov.vn/
Ngay tại trang chủ của website, quý khách có thể dễ dàng tra cứu bằng cách nhập tên sản phẩm hoặc tên doanh nghiệp và ô tìm kiếm và xem được bản công bố (bản mềm) trực tiếp. Hoặc để thông tin chính xác hơn, trên thanh công cụ, Quý khách có thể lựa chọn Tra Cứu >> Hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh
Tương tự như tra cứu số tự công bố sản phẩm, tại bước chọn mục tra cứu thông tin, Quý khách nhấn chọn Danh sách các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm để tra cứu các sản phẩm đã đăng ký công bố được công bố.
Tại thành phố Đà Nẵng
Tương tự tại website của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Quý khách lựa chọn Chứng nhận ATTP >> Tiếp nhận ĐK công bố SP và tra cứu theo tên sản phẩm.
Trên đây là hướng dẫn tra cứu số công bố thực phẩm của Luật Việt An. Quý khách có nhu cầu tư vấn về thủ tục tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả nhất!