Tôi có câu hỏi liên quan đến quyền lợi của người lao động làm ở công ty nhưng không được ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHTN…
Anh vợ tôi là nhân viên công ty Quảng cáo, tính đến thời điểm này là 16 năm đã làm việc cho công ty Quảng cáo.
Ngày 19/7/2017, lúc đầu anh vợ tôi mệt, thấy sức khỏe không ổn định nên không đi làm, nhưng chủ công ty gọi điện ép đi làm, mặc dù đã giải thích là mệt, không đủ sức khỏe để đi làm nhưng chủ vẫn nói ép anh vợ tôi đi làm và rốt cục anh cũng phải đi làm. Được ông chủ điều đi gắn biển quảng cáo ở một nơi khác khá xa (khoảng 100km) bằng xe máy tự túc cùng với các nhân viên khác. Trong quá trình gắn biển quảng cáo do sơ ý đã bị điện trung thế giật chết.
Chủ doanh nghiệp có đến hiện trường, có làm việc với công an, nhưng cho đến nay chủ doanh nghiệp vẫn chưa có động thái hỗ trợ cho gia đình về mặt kinh tế.
Anh vợ tôi làm việc tại cty này không có hợp đồng lao động, chuyển lương thì công ty đưa bằng tiền mặt cho anh mỗi tháng.
Tôi có đến Công an khu vực xảy ra tai nạn để xin biên bản làm việc lúc xảy ra tai nạn lao động để làm chứng cứ anh vợ tôi có làm việc cho công ty này và thời điểm xảy ra tai nạn là lúc đang đi làm cho công ty này, thì công an nhập nhằng, nói không thể photo hồ sơ ra tùy tiện được, nên không cung cấp. Tôi hỏi luật sư Công an làm như vậy có đúng không? Phải làm thế nào để có thể lấy được biên bản khi xảy ra sự việc tại cơ quan công an?
Tôi có thể còn cách nào khác để xác minh anh vợ tôi đã làm cho công ty này và bị tử vong khi đang làm việc cho công ty này?
Tôi có thể kiện công ty đó những lý do gì?
Công ty đó phải bồi thường những khoản gì cho người đã mất và gia đình người đã mất? Trong khi anh vợ tôi là trụ cột trong gia đình, giờ nợ ngân hàng nhà nước đã gần như mất khả năng chi trả.
Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Luật Việt An xin tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Lao động 2012;
Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH.
Thứ nhất, sau khi cơ quan công an tiến hành điều tra sẽ có bản kết luận điều tra chứng minh nguyên nhân chết là do đâu (tai nạn lao động hay nguyên nhân khác) và sẽ giao cho gia đình, còn hồ sơ điều tra, cơ quan công an không cung cấp cho gia đình là đúng nguyên tắc.
Anh vợ bạn làm việc cho công ty 16 năm mà hai bên không giao kết hợp đồng, không tham gia các chế độ bảo hiểm cho người lao động là vi phạm pháp luật lao động và công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH.
Mặc dù hai bên không giao kết hợp đồng nhưng thực tế đã tồn tại quan hệ lao động giữa hai bên nên có thể chứng minh thông qua chứng nhận của những người lao động cùng làm việc với anh họ bạn, thông tin trao đổi giữa hai bên..Nếu không chứng minh được sẽ là bất lợi về phía người lao động.
Thứ hai, Trách nhiệm của người sử dụng lao động với người bị tai nạn lao động
Điều 144 Bộ luật lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động như sau
“ 1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”
Quyền của người lao động bị tai nạn lao động.
Điều 145 Bộ luật Lao động quy định quyền của người lao động bị tai nạn lao động như sau:
Người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội
Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.
– Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
– Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, khi anh vợ bạn bị tai nạn lao động không qua khỏi thì công ty có trách nhiệm thanh toán toàn phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu cho đến khi anh vợ bạn không qua khỏi và phải trả đủ tiền lương trong thời gian người đó làm việc.
Do anh vợ bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội thì công ty đó phải trả toàn bộ số tiền tương đương với chế độ tai nạn lao động theo luật bảo hiểm xã hội .
Ngoài ra, công ty có trách nhiệm bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho nhân thân người tai nạn bị chết nếu không do lỗi từ phía người lao động. Nếu do lỗi của anh vợ bạn thì gia đình bạn cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% với mức trên.
Nếu Công ty không thực hiện đúng quy định đó, gia đình bạn có thể trực tiếp hoặc thông qua tổ chức công đoàn cơ sở để yêu cầu Giám đốc Công ty thực hiện đúng; hoặc có đơn gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Công ty có trụ sở chính yêu cầu cử hòa giải viên để hòa giải tranh chấp.