Tự ý sử dụng thông tin số điện thoại của người khác có vi phạm pháp luật không?
Số điện thoại là một trong những dữ liệu cá nhân cơ bản được quy định bởi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sự ra đời của Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã tạo nên cơ chế mới chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát sử dụng dữ liệu cá nhân tại Việt Nam hiện nay. Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của quý khách hàng về việc tự ý sử dụng thông tin số điện thoại của người khác có vi phạm pháp luật không? Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ thông tin đến Quý khách về nội dung này.
Căn cứ pháp luật
Bộ luật Dân sự 2015.
Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 91/2020/NĐ-CP và Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
Số điện thoại cá nhân là dữ liệu được bảo vệ theo quy định pháp luật
Trước đây, pháp luật mới chỉ tập trung vào các hành vi khai thác dữ liệu được truyền thông qua mạng di động, điện thoại, chẳng hạn bảo vệ bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác; chống thư rác, tin nhắc rác. Vậy còn số điện thoại, thông tin cơ bản đầu tiên để hình thành các dữ liệu trên, có được bảo vệ không? Một người tự ý sử dụng thông tin số điện thoại của người khác có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, số điện thoại có thể được coi là một dữ liệu bí mật cá nhân bất khả xâm phạm và được bảo hộ bởi pháp luật. Nếu được coi như vậy thì Điều 38 Bộ luật Dân sự yêu cầu người có hành vi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai số điện thoại cá nhân phải được chủ thể sở hữu số điện thoại đó đồng ý. Tuy vậy, có thể thấy trước năm 2023, các nghị định trong lĩnh vực viễn thông, bưu chính, văn hóa,… chưa hề đề cập đến hành vi tự ý sử dụng thông tin số điện thoại của người khác, cũng như chưa hề đề cập đến số điện thoại như một dữ liệu bí mật cá nhân. Trên thực tế, số điện thoại được công khai, mua bán trao đổi như một loại dữ liệu thông thường mà không hề bị ngăn cản. Như vậy, số điện thoại – một loại dữ liệu cơ bản được định danh bởi mỗi cá nhân, lại chưa có cơ chế bảo vệ.
Những quy định của Nghị định 13/2023/NĐ-CP mới ra đời được đánh giá là khá cập nhật với pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện hành tại Anh, Mỹ. Theo Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá Nhân (General Data Protection Regulation – GDPR), số điện thoại Nếu có vi phạm dữ liệu cá nhân, người chủ dữ liệu phải báo cáo cho Cơ quan Quản lý Dữ liệu Cá nhân của Vương Quốc Anh (Information Commissioner’s Office – ICO) trong vòng 72 giờ sau khi biết được việc vi phạm. Thì cơ chế này trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP cũng được quy định.
Nguyên tắc quan trọng nhất trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP đó là các tổ chức và cá nhân phải thu thập dữ liệu cá nhân dưới nguyên tắc bắt buộc sự đồng ý của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa rằng trước khi thu thập thông tin cá nhân, người chủ dữ liệu phải có sự đồng ý rõ ràng từ phía người sở hữu thông tin cá nhân, cụ thể là số điện thoại.
Quy định về bảo vệ số điện thoại cá nhân theo pháp luật Việt Nam
Quyền của chủ sở hữu số điện thoại
Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân ghi rõ quyền của người tiêu dùng trong việc kiểm soát thông tin cá nhân của họ. Người tiêu dùng có quyền truy cập, sửa đổi, xóa bỏ hoặc đình chỉ việc xử lý thông tin cá nhân của họ.
Nghĩa vụ của người xử lý dữ liệu
Bảo mật và bảo vệ dữ liệu: Các tổ chức hoặc cá nhân thu thập dữ liệu cá nhân phải thực hiện các biện pháp bảo mật thích hợp để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân. Điều này bao gồm việc ngăn chặn truy cập trái phép, rò rỉ thông tin và bảo vệ dữ liệu khỏi mất mát hoặc hỏng hóc.
Báo cáo vi phạm: ác tổ chức hoặc cá nhân thu thập dữ liệu cá nhâphải báo cáo về việc vi phạm dữ liệu cá nhân đến cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng trong trường hợp dữ liệu cá nhân bị lộ ra ngoài hoặc bị sử dụng sai mục đích.
Quản lý số điện thoại: Các tổ chức thu thập số điện thoại phải tuân thủ các quy định về bảo mật và quản lý số điện thoại khách hàng để đảm bảo sự bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tự ý sử dụng thông tin số điện thoại của người khác có vi phạm pháp luật không?
Do số điện thoại được bảo vệ dưới dạng một dữ liệu cá nhân, vì vậy mọi hành vi sử dụng số điện thoại, ghi số điện thoại của người khác vào tờ khai thông tin mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu số điện thoại đều là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chẳng hạn, trong trường hợp kê khai số điện thoại cá nhân của người khác trong hợp đồng vay vốn với ngân hàng mà chưa được sự đồng ý của người sở hữu số điện thoại đó, ngân hàng sử dụng số điện thoại trên để thực hiện thủ tục thu hồi nợ khi không thể liên lạc được với người vay. Trong trường hợp này, người khai và ngân hàng sử dụng số điện thoại đó có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự (tùy thuộc vào hành vi và mức độ xâm phạm quyền của chủ sở hữu số điện thoại) đối với hành vi gây ra với người sở hữu số điện thoại bị làm phiền. Đây là tình huống thực tế khách hàng đã từng liên hệ đến Luật Việt An. Việc bị làm phiền, thậm chí là đe dọa, ảnh hưởng đến tâm lý chủ sở hữu số điện thoại bị xâm phạm, rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định hiện hành.
Mở rộng ra, trong thực tiễn quá trình giao kết hợp đồng, thỏa thuận có sử dụng số điện thoại của các bên, bên còn lại hiện nay mặc nhiên có nghĩa vụ, chứ không cần phải có thỏa thuận, về việc giữ bí mật và không được tiết lộ thông tin số điện thoại mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng. Nghĩa vụ này chỉ được bãi bỏ khi các bên có thỏa thuận khác, hay nói cách khác là có sự đồng ý rõ ràng của bên chủ sở hữu thông tin cá nhân về việc tiết lộ thông tin số điện thoại cho bên thứ ba.
Hành vi xâm phạm dữ liệu số điện thoại cá nhân có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tủy vào mức độ vi phạm. Cụ thể:
Trách nhiệm hành chính
Do Nghị định 13/2023/NĐ-CP mới ra đời, nên cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi được coi là vi phạm theo Nghị định này.
Trên thực tế, Việt Nam mới tồn tại một số quy định về xử phạt hành chính liên quan đến nội dung này, chẳng hạn như Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định:
Tại Điều 22: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Cố ý làm lộ bí mật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân”. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Tại Điều 54: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu;
Buộc thu hồi thông tin đã tiết lộ hoặc phát tán.
Hay tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân khi đã có yêu cầu hủy bỏ của chủ sở hữu thông tin đó”.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;
Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
Tuy nhiên có thể thấy, các quy định xử phạt hành chính mới chỉ liên quan, chứ chưa đề cập trực tiếp để việc xử lý thông tin chính là số điện thoại cá nhân. Do vậy, trên thực tế cũng khó để áp dụng.
Trách nhiệm dân sự
Như vậy, các chủ thể hiện hành chủ yếu có thể dựa vào cơ chế của pháp luật dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm về thông tin số điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, cơ chế dân sự này thường đòi hỏi hậu quả, thiệt hại thực tế, từ đó mới có căn cứ để kiện đòi, bồi thường về mặt tài sản, tinh thần, hay các biện pháp khắc phục khác.
Trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín thì hành vi xâm phạm dữ liệu số điện thoại cá nhân đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu hành vi có những tình tiết tăng nặng sau đây có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
Có tổ chức;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Phạm tội 02 lần trở lên;
Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, đối với hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An cho câu hỏi tự ý sử dụng thông tin số điện thoại của người khác có vi phạm pháp luật không? Quý khách hàng có yêu cầu tư vấn liên quan đến các vụ việc dân sự, pháp luật dân sự, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được tư vấn tốt nhất.