Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với công ty FDI
Công ty FDI (Foreign Direct Investment) là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời giúp nhà nước quản lý và kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh của các công ty FDI một cách hiệu quả, pháp luật đã đặt ra những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với doanh nghiệp. Sau đây, Luật Việt An xin chia sẻ chi tiết các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với công ty FDI mới nhất 2024.
Công ty FDI bị cấm đầu tư kinh doanh các ngành, nghề nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Đầu tư 2020, công ty FDI bị cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh các ngành, nghề sau đây:
Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020.
Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020.
Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp.
Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.
Kinh doanh mại dâm;
Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
Kinh doanh pháo nổ;
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Công ty FDI được sản xuất, sử dụng các sản phẩm bị cấm trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Luật Đầu tư 2020, khoản 2 Điều 10 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, công ty FDI được phép sản xuất, sử dụng các sản phẩm sau trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh:
Các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;
Các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;
Mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp;
Mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020.
Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm kể trên trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh được thực hiện như sau:
Việc sản xuất, sử dụng các chất ma túy phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Chính phủ về danh mục chất ma túy, tiền chất và Công ước thống nhất về chống ma túy năm 1961, Công ước Liên hợp quốc năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần;
Việc sản xuất, sử dụng các loại hóa chất, khoáng vật bị cấm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và các văn bản hướng dẫn Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế;
Việc khai thác mẫu các loài thực vật, động vật hoang dã bị cấm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).
Công ty FDI thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì bị xử lý như thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ khoản 3 Điều 16 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, công ty FDI thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Ngoài ra, công ty FDI còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Chịu trách nhiệm hình sự
Công ty FDI thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015);
Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015);
Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015);
Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234Bộ luật Hình sự 2015);
Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015).
Các hình phạt áp dụng đối với công ty FDI phạm tội gồm:
Công ty FDI có thể bị áp dụng một trong các hình phạt chính sau:
Phạt tiền;
Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Công ty FDI có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung sau:
Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
Cấm huy động vốn;
Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Trường hợp nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh có ngành, nghề đầu tư bị cấm thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 38 Luật Đầu tư 2020, điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp nhà đầu tư đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì không đáp ứng điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn cụ thể về ngành, nghề đầu tư kinh doanh đối với công ty FDIxin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!