Các quyền sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật là gì?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, quyền sở hữu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của các nhà sáng chế và doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và sản phẩm. Nó không chỉ giúp bảo vệ những sáng chế, thiết kế độc đáo mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, tạo ra những giá trị kinh tế bền vững cho xã hội. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu cũng như chưa nắm rõ về quyền sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ giúp quý khách tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Các quyền sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền sở hữu công nghiệp như sau:
“Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Như vậy có thể thấy, khác với quyền tác giả, đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp liên quan trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và các đối tượng này có thể chia thành hai nhóm cơ bản:
Các đối tượng mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn…
Các đối tượng là các dấu hiệu mang tính phân biệt trong thương mại, như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh…
Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký các đối tượng đó theo quy định
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 91 Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 91 Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất kỳ cách thức hợp pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin và bảo mật thông tin tạo thành bí mật kinh doanh đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với bí mật kinh doanh, chủ thể có bí mật kinh doanh phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 91 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở thực tiễn của hoạt động cạnh tranh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Khi sử dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện đối tượng, lĩnh vực, lãnh thổ, thời gian kinh doanh liên quan đến hoạt động cạnh tranh.
Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo Điêu 100 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp như sau:
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu
Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định
Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
Giấy uỷ quyền;
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
Bước 1: Nộp đơn đăng ký
Chủ đơn có thể nộp hồ sơ đăng ký theo 2 phương thức là Nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn ).
Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung
Được tiến hành khi có yêu cầu thẩm định nội dung;
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối
Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Căn cứ tại Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể:
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng kể từ ngày nộp đơn.
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:
Đối với sáng chế là mười hai tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;
Đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là sáu tháng kể từ ngày công bố đơn.
Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
Thời gian dành cho việc sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn quy định
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An quyền sở hữu công nghiệp là gì. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay vấn đề pháp lý chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.