Các thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp
Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ Phòng đăng ký kinh doanh, một số doanh nghiệp vì vội vàng chuẩn bị đi vào hoạt động hoặc một số doanh nghiệp khác vì chưa muốn hoạt động đã quên rằng doanh nghiệp vẫn còn phải thực hiện một số thủ tục khác để tuân theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi doanh nghiệp được cấp giấy phép thì thông tin của doanh nghiệp đã được đăng lên trên hệ thống của Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia và được Cơ quan thuế địa phương quản lý, do đó, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục kê khai thuế ban đầu. Bài viết sau đây sẽ giúp doanh nghiệp nắm cụ thể hơn những nghĩa vụ cần thực hiện để có thể chính thức đi vào hoạt động và tránh tình trạng bị xử phạt hành chính bởi Cơ quan thuế.
Những thủ tục cần làm sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Khắc dấu, thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu tại Phòng đăng ký kinh doanh để đăng tải thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, nhằm công khai mẫu dấu.
Đóng thuế môn bài:
Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp: do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tiến hành. Hồ sơ chuẩn bị đăng ký mở tài khoản ngân hàng bao gồm:
01 bản công chứng “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”
01 bản công chứng “Chứng minh nhân dân” của người đại diện pháp luật ghi trên giấp phép.
01 bản công chứng “Thông báo về việc đăng tải thông tin con dấu doanh nghiệp”
Mang theo con dấu doanh nghiệp khi đến làm thủ tục
Đăng ký chữ ký số để nộp thuế điện tử và báo cáo thuế qua mạng Internet
Đăng ký nộp thuế điện tử từ một ngân hàng mà doanh nghiệp đã đăng ký mở tài khoản
Tiến hành nộp thuế môn bài, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, nếu trên giấy chứng nhận không thể hiện thông tin này thì căn cứ vào ngày ban hành giấy phép.
Đăng ký hồ sơ thuế ban đầu tại Cơ quan thuế:
Hồ sơ cần có:
02 mẫu 06/GTGT Áp dụng phương pháp tính thuế GTGT (theo thông tư 156/2013/TT-BTC)
02 bản Mẫu 08/MST Đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng.
02 bản sao có công chứng Giấy đăng ký kinh doanh,
02 bản photo CMND Người đại diện pháp luật của Doanh nghiệp,
02 bản sao Thông báo chấp thuận đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử qua ngân hàng
Giấy ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục kê khai thuế (nếu có)
Sau 05 ngày làm việc thì Cơ quan thuế sẽ trả kết quả về việc áp dụng phương pháp tính thuế.
Về việc sử dụng hóa đơn
Trường hợp doanh nghiệp muốn đặt in hóa đơn – Hồ sơ làm thành 02 bộ gồm: Khi doanh nghiệp có nhu cầu, doanh nghiệp nộp công văn lên Cơ quan thuế để đề nghị sử dụng hóa đơn GTGT đặt in:
02 bản công văn đặt in hóa đơn
02 bản sao giấy phép kinh doanh
02 bản sao thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của Cơ quan Thuế.
Sau khoảng 05 ngày làm việc, đơn vị đến Cơ quan Thuế nhận Thông báo chấp thuận tự đặt in hóa đơn và tiến hành liên hệ nhà in để in hóa đơn.
Trường hợp nếu doanh nghiệp muốn mua hóa đơn (không đặt in) từ Cơ quan thuế để sử dụng thì làm hồ sơ, thủ tục mua hóa đơn tại Chi cục Thuế/ Cục thuế. Hồ sơ chuẩn bị (02 bộ) gồm:
02 Đơn đề nghị mua hóa đơn;
02 Bản cam kết – Mẫu số: CK01/AC (thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014)
02 bản sao thông báo chấp thuận áp dụng phương pháp tính thuế GTGT của cơ quan thuế
02 bản sao Thông báo chấp thuận đăng ký DV nộp thuế điện tử qua ngân hàng
02 Chứng từ xác nhận đã nộp thuế Môn bài
02 bản sao giấy phép đăng ký doanh nghiệp
02 bản sao CMND của người đại diện pháp luật.
Sớm nhất sau 05 ngày làm việc, Cơ quan thuế sẽ có thông báo kết quả về việc tự in hoặc mua hóa đơn để doanh nghiệp sử dụng.
Lưu ý:
Những việc khác cũng cần được thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp gồm có: treo biển tại trụ sở công ty, đăng ký lao động và bảo hiểm lao động (nếu có), lập sổ sách kế toán…
Cần thực hiện các nghĩa vụ về thuế trong thời hạn pháp luật quy định, nếu bị chậm trễ, doanh nghiệp sẽ phải chịu xử phạt tiền từ Cơ quan thuế.