Cách chứng minh năng lực tài chính khi thành lập công ty FDI
Chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yêu cầu thường gặp trong hồ sơ xin giấy phép đầu tư hoặc thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Để hồ sơ chứng minh này hợp lệ, nhà đầu tư cần đáp ứng những điều kiện nào? Cách chứng minh năng lực tài chính khi thành lập công ty FDI ra sao? Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề trên theo quy định pháp luật.
Chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư là gì?
Năng lực tài chính có nghĩa là khả năng đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu doanh nghiệp đề ra.
Chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư được hiểu là việc chủ đầu tư cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn lực tài chính khi thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đây là yêu cầu thẩm định quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư không bị dừng giữa chừng do thiếu vốn.
Nhà đầu tư có thể chứng minh tài chính doanh nghiệp bằng nguồn vốn tự có hoặc vốn góp, vốn tài trợ từ các tổ chức tín dụng (có xác nhận).
Điều kiện năng lực tài chính của nhà đầu tư
Đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Nhà ở 2014, chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại phải bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP, điều kiện về năng lực tài chính của nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản như sau:
Có khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án.
Với dự án có quy mô dưới 20 ha, vốn chủ sở hữu thực hiện dự án cần có ít nhất 20% tổng mức đầu tư. Với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên, vốn cần có ít nhất 15% tổng mức đầu tư.
Đầu tư dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 và khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư và khoản 2 Điều 26 Nghị định 31/2021/ NĐ-CP, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm:
Phần vốn đến 300 tỷ đồng, ký quỹ 3%.
Phần vốn trên 300 tỷ đồng, ký quỹ 2%.
Phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, ký quỹ 1%.
Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
Theo Công văn 2541/CV-TCT 2022 do Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ trả lời về việc thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư và theo điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 thì hồ sơ chứng minh tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:
Báo cáo tài chính
Nhà đầu tư đã hoạt động từ 01 năm – 02 năm: Yêu cầu báo cáo tài chính 01 năm gần nhất.
Nhà đầu tư hoạt động trên 02 năm: Yêu cầu báo cáo tài chính 02 năm gần nhất.
Đối với nhà đầu tư pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán thì phải nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ
Thể hiện bằng văn bản do công ty mẹ xác lập nhằm cam kết về việc hỗ trợ tài chính đối với công ty con là nhà đầu tư trong việc đảm bảo nguồn tài chính thực hiện mục đích đầu tư kinh doanh.
Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính
Tổ chức tài chính ở đây thường là các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại ra văn bản (thư hứa) đồng ý về mặt nguyên tắc thu xếp tài chính cho nhà đầu tư dự thầu, xin giấy phép đầu tư, thực hiện phương án/dự án kinh doanh, …
Bảo lãnh năng lực tài chính của nhà đầu tư
Bảo lãnh năng lực tài chính là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (nhà đầu tư) để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của bên được bảo lãnh khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc xin cấp phép đầu tư dự án.
Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính khi triển khai dự án thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay.
Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
Ngoài các tài liệu chứng minh năng lực tài chính của chủ đầu tư đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 thì cơ quan đăng ký đầu tư sẽ căn cứ vào thực tế của từng dự án để xác định các tài liệu khác có giá trị nhằm chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Cách chứng minh năng lực tài chính khi thành lập công ty FDI
Xác định rõ tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư
Tổng mức đầu tư: Là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (vốn góp), vốn huy động (vay ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty mẹ, …).
Do đó, khi chuẩn bị nguồn vốn cho dự án thì nhà đầu tư cần lưu ý để cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho phù hợp với yêu cầu.
Chứng minh vốn tự có (vốn chủ sở hữu) của nhà đầu tư
Vốn tự có cần là tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu ngắn hạn hay các tài sản có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng 1 năm.
Trường hợp Nhà đầu tư là cá nhân thì cần giấy xác nhận số dư tài khoản tại các ngân hàng.
Trường hợp Nhà đầu tư là doanh nghiệp thì chuẩn bị các giấy tờ sau:
Doanh nghiệp mới thành lập dưới 1 năm: Giấy xác nhận số dư tài khoản doanh nghiệp tại các ngân hàng.
Doanh nghiệp đã hoạt động trên 1 năm: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất, đầy đủ và đúng theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính và Luật Kế toán 2015.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty có niêm yết và kinh doanh trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất và phải được kiểm toán theo quy định tại Luật kiểm toán độc lập năm 2011.
Vốn chủ sở hữu còn lại của nhà đầu tư = Tổng vốn chủ sở hữu – Chi phí liên quan đến kiện tụng – Vốn chủ sở hữu cam kết cho các dự án đang thực hiện và các khoản đầu tư dài hạn khác (nếu có) – Vốn chủ sở hữu phải giữ lại theo quy định.
Chứng minh khả năng huy động vốn của nhà đầu tư
Vốn vay: Thể hiện bằng văn bản cam kết cấp tín dụng (thư hứa) của các tổ chức, cá nhân khác cho vay để đầu tư dự án.
Vốn góp: Thể hiện bằng giấy xác nhận góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh, liên doanh, kiên kết với các tổ chức, cá nhân khác.
Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư không chuẩn bị kịp vốn theo yêu cầu, có thể tham khảo dịch vụ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư được đề cập phía cuối bài viết này.
Tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư
Do nhà đầu tư tự kê khai theo các văn bản hướng dẫn cụ thể, thường có các nội dung sau:
Tên dự án đầu tư;
Thông tin về năng lực tài chính của nhà đầu tư: Thông tin về góp vốn điều lệ; Tóm tắt các số liệu về tài chính 02 năm tài chính gần nhất; Các vụ kiện đang giải quyết trong đó nhà đầu tư là một bên đương sự; Thông tin về việc huy động vốn tự có của nhà đầu tư tham gia các dự án khác
Tổng hợp năng lực tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tài liệu đính kèm (theo yêu cầu).
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cụ thể và nêu rõ lý do.
Trên đây là toàn bộ thông tin quy định về Cách chứng minh năng lực tài chính khi thành lập công ty FDI. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về chứng minh năng lực tài chính vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!