Theo số liệu chính thức từ trang Thông tin điện tử đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư khu vực FDI đăng ký mới và tăng thêm là 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, số vốn được giải ngân đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4 % so với cùng kỳ năm 2015.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm so với năm trước là do hai nguyên nhân chính: ảnh hưởng của thế giới và môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đầu năm 2015 đến đầu năm 2016, việc hoàn thành các vòng đàm phán và ký kết hiệp định TPP đã thúc đẩy nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, tới mùa bầu cử Tổng thống Mỹ thì hiệp định này có nguy cơ không trở thành hiện thực gây ảnh hưởng lớn đến nhiều quyết định đầu tư.
Nhằm mục tiêu thúc đẩy đầu tư, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cùng nhiều văn bản pháp luật khác chính thức có hiệu lực đã tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đó chỉ là về mặt pháp lý, còn về mặt thủ tục hành chính thì vẫn còn rắc rối, phức tạp nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy “gặp khó” khi đầu tư vào Việt Nam.
Tuy có dấu hiệu chững lại, nhưng số vốn thực tế được giải ngân trong năm 2016 lại cao hơn chứng tỏ nguồn vốn đầu tư đang được sử dụng tốt và phát huy hiệu quả. Đặc biệt là nếu chúng ta nhìn vào những lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng theo thông tin từ Cục đầu tư nước ngoài thì 3 lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn FDI lần lượt là: công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản và khoa học công nghệ. Đây có thể coi là điểm sáng trong bức tranh FDI 2016 vì trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì Việt Nam có ưu điểm về đất đai xây dựng nhà máy, khu công nghiệp và nguồn lao động dồi dào; lĩnh vực bất động sản thu hút nhiều chủ đầu tư nước ngoài giúp thị trường này phục hồi trở lại và nhiều hạng mục dự án chất lượng; lĩnh vực khoa học công nghệ cũng là một ưu tiên phát triển của Nhà nước và nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam thực sự không thua kém gì các quốc gia khác.
Một số dự án lớn được cấp phép trong năm qua như LG Display Hải Phòng (1,5 tỷ USD), LG Innotek Hải Phòng (550 triệu USD), Amata City Long Thành (309,3 triệu USD), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung (300 triệu USD)… đã chứng minh được chất lượng chứ không phải số lượng nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia và tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đưa ra những dự báo lạc quan về tình hình FDI 2017 vì cho dù có hiệp định TPP hay không thì môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn tương đối ổn định và ít biến động như từ trước tới nay. Ngoài ra, hành lanh pháp lý cũng đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Các văn bản quy định về nguồn vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là định hướng nông nghiệp bền vững đang được kỳ vọng Chính phủ thông qua trong quý I/2017. Điều này sẽ giúp lĩnh vực đầu tư FDI trở nên đa dạng hơn và Việt Nam sẽ có cơ hội phát huy đúng thế mạnh của mình dưới sự giúp sức của các nhà đầu tư nước ngoài.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật và thủ tục đầu tư vào Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hướng dẫn thêm!