Cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống
Một trong những loại giấy phép bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thức ăn, sản xuất thực phẩm… là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù quy trình, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không khó nhưng cơ sở cần chuẩn bị đủ hồ sơ cũng như phải đáp ứng các điều kiện tại cơ sở có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cũng là một trong những khó khăn nhiều doanh nghiệp gặp phải.
Cơ sở pháp lý
Luật An toàn thực phẩm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Tại Điều 35 Luật An toàn thực phẩm 2010, có 3 cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có Bộ Y tế, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương.
Đối với Bộ Công thương, Điều 6 Thông tư số 43/2018/TT-BCT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2020/TT-BCT), thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc về:
Bộ Công thương
Sở Công thương
Cơ quan có thẩm quyền tại địa phương trên cơ sở được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công theo đề xuất của Sở Công thương.
Do đó, Bộ Công thương ủy quyền và phân cấp cho các cơ quan cấp dưới. Những cơ quan trực tiếp tiến hành cấp giấy phép cho các đơn vị kinh doanh gồm:
Vụ khoa học và công nghệ, Vụ thị trường trong nước
Phòng chức năng tại Sở Công thương tại các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Đối với Bộ Y tế, tại các đơn vị tại địa phương, Bộ sẽ ủy quyền cho những cơ quan cấp dưới để cấp giấy phép, gồm:
Cục An toàn Thực phẩm: Cung cấp giấy chứng nhận cho những đơn vị kinh doanh thuộc những lĩnh vực thực phẩm chức năng, những chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, những dụng cụ đựng thực phẩm.
Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm: Có thẩm quyền hỗ trợ, quản lý và cấp giất phép những đơn vị kinh doanh nước đóng chai, những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, những dịch vụ ăn uống như quán nước, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn.
Đối với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ sẽ cung cấp Giấy chứng nhận đối với các cơ sở kinh doanh những ngành nghề sau:
Sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối bao gồm: Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản; sản xuất muối.
Sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Cơ sở kinh doanh phải đăng ký ngành nghề Nhà hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Cơ sở vật chất:
Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hóa chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm;
Thực hiện ngăn lưới hoặc tủ kín đối với bát đĩa đối với kệ để bát đĩa, ly, cốc, chén…
Trang bị thêm ủng, tạp dề, khẩu trang, găng tay cho nhân viên chế biến thực phẩm.
Đối với dụng cụ sơ chế, chế biến thịt tươi sống và thịt chính như thớt, dao cần được phân định và để riêng và treo tại khu vực cố định (cần có bảng biển)
Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động gây hại, trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm.
Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.
Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;
Không bày bán hóa chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Không bày bán hóa chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bảo quản thực phẩm:
Phải có tủ đông, tủ mát để bảo quản thực phẩm tùy theo loại sản phẩm mình bảo quản trong túi thực phẩm đảm bảo vệ sinh, hộp đựng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phải ghi rõ ngày sản xuất, ngày mở và hạn sử dụng có ký tên (có bọc màng bọc thực phẩm niêm phong).
Lập danh sách về nội dung nhập hàng, mở hàng, hạn sử dụng đối với mỗi mặt hàng và ký tên của người trực tiếp nhận hàng, mở hàng…
Người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm:
Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cần thực hiện khám sức khỏe tất cả những người trực tiếp thực hiện hoạt động sơ chế, chế biến và tiếp xúc với thực phẩm tại bệnh viện cấp huyện trở lên.
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Bước 1: Thẩm xét hồ sơ
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không hợp lệ;
Nếu quá 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ mà cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận sẽ hủy hồ sơ.
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được đóng thành 01 bộ gồm các giấy tờ sau:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định này.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:
Bản vẽ sơ đồ mặt bằng của cơ sở;
Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống;
Bản kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
Danh sách kết quả khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Danh sách kết quả cấy phân tìm vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn của người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế.
Bước 2 (Thẩm định cơ sở): Tiếp đoàn thẩm định cơ sở trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày thẩm xét hồ sơ hợp lệ
Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở. Trường hợp cơ quan cấp trên ủy quyền cho cơ quan cấp dưới phải có văn bản ủy quyền.
Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ban hành quyết định thành lập. Đoàn thẩm định có số lượng từ 03 đến 05 thành viên, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên làm công tác chuyên môn hoặc quản lý về an toàn thực phẩm.
Bước 3: Cơ sở nhận kết quả
Kết quả thẩm định phải ghi rõ “Đạt” hoặc “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện” vào Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm hoặc Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm;
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận khi các điều kiện kinh doanh của ít nhất một nhóm sản phẩm được đánh giá “Đạt”. Các nhóm sản phẩm đạt yêu cầu theo quy định sẽ được ghi vào Giấy chứng nhận cơ sở đủ điền kiện an toàn thực phẩm;
Trường hợp “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện” phải ghi rõ lý do trong Biên bản thẩm định. Trường hợp “Chờ hoàn thiện”, thời hạn khắc phục tối đa là 60 (sáu mươi) ngày. Sau khi đã khắc phục theo yêu cầu của Đoàn thẩm định, cơ sở phải nộp báo cáo kết quả khắc phục về cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định lại. Thời hạn thẩm định lại tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc tính từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được báo cáo khắc phục;
Nếu kết quả thẩm định lại vẫn “Không đạt”, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản tới cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận;
Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở.
Lưu ý: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có thời hạn 3 năm.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về dịch vụ Cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.