Trong quá trình phát triển kinh doanh, thương nhân luôn cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như phát triển đa dạng các mặt hàng sản phẩm của mình. Hiện nay, việc nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài để phát triển kinh tế là hoạt động không còn xa lạ. Bắt kịp xu hướng trên, việc nhập khẩu các sản phẩm rượu từ nước ngoài, thông qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến. Song song với sự phát triển đó là sự quan tâm ngày càng lớn đối với giấy phép phân phối rượu để có thể thực hiện phân phối một cách hợp pháp và nhận được sự bảo hộ từ nhà nước. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ tổng hợp những quy định cấp lại giấy phép phân phối rượu.
Cơ sở pháp lý
Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về sản xuất kinh doanh rượu được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP;
Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả.
Hiểu thế nào là phân phối rượu
Phân phối rượu có thể được hiểu là hoạt động nhập khẩu rượu, mua rượu từ thương nhân phân phối rượu và bán rượu cho các thương nhân phân phối, bán buôn, bản lẻ, bán tiêu dùng tại chỗ tại tỉnh, thành phố được cấp phép.
Như vậy, sau khi có giấy phép phân phối, doanh nghiệp sẽ được bán rượu cho các đối tượng sau:
Các doanh nghiệp khác có giấy phép phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được ghi trong giấy phép phân phối rượu đã được cấp.
Cho các doanh nghiệp mua rượu để thực hiện việc xuất khẩu rượu ra nước ngoài.
Trực tiếp bán lẻ rượu tại các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được cấp phép và theo nội dung ghi trên giấy phép phân phối rượu.
Được quyền bán rượu tiêu dùng tại chỗ, tuy nhiên phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Điều kiện cần đáp ứng khi phân phối rượu để được cấp giấy phép
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện phân phối rượu bao gồm:
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (đã bao gồm địa bàn doanh nghiệp đặt trụ sở chính); tại mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán buôn rượu.
Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối rượu
Ngoài những quyền và nghĩa vụ chung được quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì thương nhân phân phối rượu còn có thêm các quyền và nghĩa vụ khác như:
Nhập khẩu rượu, mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước và thương nhân phân phối rượu khác theo nội dung ghi trong giấy phép;
Bán rượu cho các thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp phép;
Bán rượu cho thương nhân mua rượu để xuất khẩu;
Trực tiếp bán lẻ rượu tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân trên phạm vi địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp phép.
Quy định về chế tài khi kinh doanh rượu không có giấy phép
Căn cứ theo Nghị định 98/2020/NĐ–CP quy định đối với hành vi vi phạm về nhập khẩu rượu sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
Nhập khẩu trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm có độ cồn từ 5,5 độ trở lên mà không có giấy phép kinh doanh rượu;
Bán rượu bán thành phẩm nhập khẩu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên cho đối tượng không có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
Hành vi nhập khẩu rượu không qua các cửa khẩu quốc tế theo quy định bị xử phạt theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Nghị định 98/2020/NĐ–CP trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Như vậy, việc đăng ký giấy phép phân phối rượu trong quá trình kinh doanh là vô cùng quan trọng, không những tăng thêm uy tín kinh doanh mà còn hạn chế các rủi ro cho thương nhân.
Ai là người có thẩm quyền cấp lại giấy phép kinh doanh rượu
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp giấy phép phân phối rượu là Bộ Công thương.
Quy định về việc cấp lại giấy phép phân phối rượu
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì việc cấp lại giấy phép được chia làm hai trường hợp như sau:
Trường hợp giấy phép được cấp lại do hết hiệu lực
Thương nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép trước thời hạn hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày. Hồ sơ, thẩm quyền, thủ tục cấp lại đối với quy định lại khoản này áp dụng như quy định đối với trường hợp cấp mới, cụ thể như sau:
Hồ sơ đối với cấp lại giấy phép phân phối rượu được quy định tại Điều 21 Nghị định 17/2022/NĐ-CP;
Thẩm quyền cấp lại thuộc về Bộ Công thương;
Thủ tục cấp lại giấy phép phân phối rượu được quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Trường hợp cấp lại do giấy phép bị mất hoặc bị hỏng
Đối với trường hợp này, thương nhân thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 17/2022/NĐ-CP để xin cấp lại như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp lại (01 bộ) bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP và bản gốc hoặc bản sao giấy phép đã cấp (nếu có);
Cơ quan cấp giấy phép căn cứ vào hồ sơ đã lưu và hồ sơ đề nghị cấp lại của thương nhân để cấp lại giấy phép;
Thời hạn của giấy phép sẽ được giữ nguyên như cũ.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 của quy định này cũng quy định về thủ tục cấp lại giấy phép do bị mất hoặc bị hỏng:
Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp lại giấy phép theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp lại giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về việc cấp lại giấy phép phân phối rượu nói riêng và tìm hiểu thêm về các loại giấy phép khác nói chung, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.