Chào bán (phát hành) trái phiếu riêng lẻ có thể được coi là một kênh huy động vốn hiệu quả, vừa tăng tính tự chủ độc lập, đảm bảo nguồn vốn dồi dào phục vụ cho chủ thể phát hành. Nhận thức được vấn đề nói trên, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày về quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam hiện nay.
Cơ sở pháp lý liên quan
Luật Chứng khoán năm 2019.
Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, sửa đổi bổ sung tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Trái phiếu được hiểu như thế nào?
Theo Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là “loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.
Khái quát về hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ
Hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ có bản chất là hoạt động đi vay theo đó bên vay là tổ chức phát hành còn bên cho vay là người mua trái phiếu. Trái ngược với hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo đó bên cho vay (tổ chức tín dụng) yêu cầu bên vay là các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nhất định thì mới được giải ngân việc đi vay thông qua phát hành trái phiếu lại đặt bên đi vay vào vị trí có ưu thế hơn.
Cụ thể, bên đi vay – tổ chức phát hành trái phiếu được xây dựng các điều kiện của trái phiếu. Người mua trái phiếu – bên cho vay sẽ phải chấp nhận các điều kiện mà bên vay đưa ra. Như vậy, phát hành trái phiếu riêng lẻ là một hình thức đi vay của tổ chức phát hành nhưng trong quan hệ này, bên vay sẽ được quyền chủ động xây dựng các điều kiện trái phiếu, các điều khoản về lãi, kỳ hạn thanh toán và mục đích sử dụng vốn.
Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ
Tại thị trường trong nước
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP về điều kiện để phát hành trái phiếu riêng lẻ như sau:
Trường hợp 1: Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận bởi Đại hội đồng cổ đông/ Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty/ chủ sở hữu công ty;
Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện;
Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Trường hợp 2: Trái phiếu chuyển đổi (có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông) hoặc trái phiếu kèm chứng quyền (có quyền mua một số cổ phiếu phổ thông)
Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần;
Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược;
Đáp ứng các điều kiện giống như trong trường hợp phát hành trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền về: (i) Thanh toán trái phiếu đã phát hành và các khoản nợ; (ii) Tỷ lệ an toàn tài chính; (iii) Phương án phát hành trái phiếu; (iv) Báo cáo tài chính.
Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Tại thị trường nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 153/2020/NĐ-CP về điều kiện chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế:
Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền:
Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 28 Nghị định này;
Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
Tuân thủ quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và pháp luật về quản lý ngoại hối;
Các điều kiện chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.
Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành theo quy định;
Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền kèm theo chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;
Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
Thủ tục phát chào bán trái phiếu riêng lẻ
Theo Điều 11 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về quy trình chào bán trái phiếu, cụ thể:
Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán theo quy định tại Điều 19 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp tổ chức chào bán trái phiếu theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.
Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định tại Điều 15 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ chào bán trái phiếu quy định tại điểm a khoản này đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán và tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này. Số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc mở và sử dụng tài khoản phong tỏa áp dụng theo quy định đối với chào bán, phát hành chứng khoán và chào mua công khai quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, doanh nghiệp báo cáo kết quả chào bán theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ báo cáo kết quả chào bán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời đăng lên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được báo cáo kết quả chào bán.
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được báo cáo kết quả chào bán, doanh nghiệp phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ chào bán.
Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu.
Phân biệt chào bán trái phiếu riêng lẻ với chào bán trái phiếu ra công chúng
Giống nhau
Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được phê duyệt.
Tổ chức phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Khác nhau
Tiêu chí
Phát hành trái phiếu riêng lẻ
Phát hành trái phiếu ra công chúng
Đối tượng có quyền phát hành trái phiếu
Công ty cổ phần, công ty TNHH.
Công ty cổ phần.
Đối tượng mua trái phiếu
Hạn chế các nhà đầu tư không chuyên tham gia vào việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng không bị vướng quy định về việc nhà đầu tư có phải chuyên nghiệp hay không trong việc mua bán trái phiếu.
Việc xin phép Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước
Không bắt các tổ chức chào bán trái phiếu riêng lẻ phải xin phép.
Yêu cầu khắt khe về việc xin phép Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
Mệnh giá trái phiếu
Ít nhất 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng.
Đơn giản hóa vấn đề mệnh giá trái phiếu.
Điều kiện chào bán trái phiếu
Quy định về năng lực thanh toán lãi và gốc trái phiếu.
Quy định phát hành ra công chúng đã tính đến điều kiện kinh doanh có lãi của doanh nghiệp.
Thời gian chào bán trái phiếu
Thời gian phân phối của Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho từng đợt phát hành giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày. Đối với phát hành nhiều đợt giảm từ 12 tháng xuống còn 06 tháng.
Trong khi đó, phát hành trái phiếu ra công chúng được phép phân phối tối đa 90 ngày.
Công bố phát hành trái phiếu
Thông qua các quá trình công bố thông tin nghiêm ngặt.
Quá trình đỡ nghiêm ngặt hơn.
Báo cáo thông tin bất thường
Pải báo cáo khi bốn trường hợp sau xảy ra: (i) Bị tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; (ii) Có sự thay đổi về nội dung thông tin so với thông tin đã công bố khi chào bán; (iii) Thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã phát hành, thay đổi người đại diện người sở hữu trái phiếu; (iv) Phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc.
Phát hành trái phiếu ra công chúng phải báo cáo khi thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành phải được Đại hội Đại cổ đông thông qua.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về pháp luật dân sự, pháp luật doanh nghiệp, các quy định về trái phiếu,chứng khoán, thành lập công ty, tư vấn pháp luật thường xuyên của doanh nghiệp xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!