Đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm

Chỉ dẫn địa lý đồng âm là một trong đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp và được pháp luật bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chưa nắm được những thông tin liên quan đến đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm, vì vậy trong bài viết này Luật Việt An sẽ mang đến những thông tin chính xác, cụ thể và cập nhật mới nhất về chỉ dẫn địa lý đồng âm trong bài viết này.

Chỉ dẫn Địa lý

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022.
  • Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ 1994 (TRIPs).
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU 2020 (EVFTA).

Chỉ dẫn địa lý là gì?

Trước khi tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý đồng âm, ta cần hiểu về chỉ dẫn địa lý. Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 07/2022/QH15, chỉ dẫn địa lý được quy định tại khoản 22 Điều 4 như sau: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.”.

Như vậy, ta có thể hiểu chỉ dẫn địa lý dùng để chỉ nguồn gốc, xuất xứ của một mặt hàng, sản phẩm nào đó. Qua chỉ dẫn địa lý ta có thể biết được sản phẩm này được xuất xứ từ địa phương, khu vực hay quốc gia nào.

Một số chỉ dẫn địa lý phổ biến ở Việt Nam có thể kể đến như: Nước mắm Phú Quốc, Vải thiều Thanh Hà, Thuốc lào Tiên Lãng, Cam sành Hà Giang, Tỏi Lý Sơn,…

Chỉ dẫn địa lý đồng âm là gì?

Từ “đồng âm” về mặt ngữ nghĩa có thể được hiểu là hai hoặc nhiều từ khác nhau nhưng lại có cách phát âm hoặc cách đánh vần giống nhau. Từ đây ta có thể hiểu được chỉ dẫn địa lý đồng âm là những chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc xuất xứ khác nhau nhưng lại có cách phát âm hay đánh vần giống nhau. Điều này có thể khiến người mua dễ nhầm lẫn các chỉ dẫn địa lý với nhau.

Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm, quy định tại khoản 22a Điều 4 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022. Theo đó chỉ dẫn địa lý đồng âm được định nghĩa: “Chỉ dẫn địa lý đồng âm được hiểu là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau”.

Ngoài ra, trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà Việt Nam tham gia cũng có đề cập đến chỉ dẫn địa lý đồng âm. Hiệp định này nêu ra vấn đề bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với sản phẩm rượu vang, tuy nhiên cũng không đưa ra một khái niệm cụ thể. Nhưng từ đây ta có thể hiểu, theo quan niệm của hiệp định TRIPs chỉ dẫn địa lý đồng âm để chỉ những khu vực có tên gọi giống nhau nhưng đến từ các quốc gia khác nhau.

Tại sao cần bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, không loại trừ bảo hộ đối với những chỉ dẫn địa lý đồng âm. Tuy nhiên, do mới được bổ sung theo quy định của Luật sửa đổi năm 2022 nên hiện nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp chỉ dẫn địa lý đồng âm nào được đăng ký. Trong tương lai chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều chỉ dẫn địa lý đồng âm được yêu cầu được bảo hộ do sự hội nhập, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Một số cơ sở đảm bảo cho tính hợp pháp của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm:

Chỉ dẫn địa lý đồng âm dù có sự tương đồng trong cách viết hay phát âm nhưng vẫn không làm mất đi sự phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý với nhau.

Chỉ dẫn địa lý không chỉ thể hiện nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, mà còn để thể hiện chất lượng của sản phẩm có chỉ dẫn địa lý xuất phát chủ yếu từ điều kiện tự nhiên, khí hậu hay con người nơi đó tạo ra. Những sản phẩm chỉ dẫn địa lý dù có sự tương đồng về cách phát âm nhưng vẫn có sự khác biệt về chất lượng của sản phẩm do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên từng khu vực.Vì thế dù có tương đồng trong cách phát âm hay cách viết thì tính phân biệt giữa những chỉ dẫn địa lý đồng âm vẫn không bị mất đi.

Tên gọi chỉ dẫn địa lý buộc phải gắn liền với nguồn gốc xuất xứ của một sản phẩm

Không giống như tên thương mại có thể thay đổi một cách dễ dàng, dù có sự tương đồng với những chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trước đó thì chỉ dẫn địa lý cũng không thể tùy tiện thay đổi do phải gắn liền với nguồn gốc của sản phẩm. Vì vậy việc bảo hộ cho những chỉ dẫn này cũng là rất cần thiết.

Chỉ dẫn địa lý thường xuyên bị giả mạo, bị nhầm lẫn với những chỉ dẫn nguồn gốc hay tên thương hiệu khác

Với những sản phẩm có chỉ dẫn địa lý uy tín, lâu đời và được nhiều người tin tưởng sử dụng, thường sẽ có những sản phẩm với tên thương mại hoặc chỉ dẫn nguồn gốc tương tự để giả mạo. Vì vậy, vấn đề về bảo hộ những chỉ dẫn thương mại, kể cả những chỉ dẫn thương mại đồng âm là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

Cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm

Điểm chung của các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia về sở hữu trí tuệ như Hiệp định TRIPs, Hiệp định EVFTA… là đều có những quy định thể hiện sự công nhận sự bảo hộ đối với những chỉ dẫn địa lý đồng âm. Bản chất của những Điều ước quốc tế là sự thỏa thuận, tức là các quốc gia có thể lựa chọn tham gia hoặc không. Việc Việt Nam ký kết tham gia những Điều ước trên, đồng nghĩa với việc công nhận và đồng tình với những quy phạm trong các Điều ước đó, trong đó có những quy định về công nhận sự bảo hộ đối với những chỉ dẫn địa lý đồng âm.

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm

Để chỉ dẫn địa lý đồng âm được bảo hộ, trước tiên chỉ dẫn địa lý đồng âm cần thỏa mãn những điều kiện chung dành cho chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần thỏa mãn điều kiện sau:

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng.

Ở đây, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý được quy định cụ thể tại Điều 83 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022. Theo đó, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

  • Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó (theo khoản 1 Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ).
  • Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. (theo khoản 2 Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ).

Không thuộc trường hợp không được bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng không được thuộc vào một trong số các trường hợp được quy định tại Điều 80 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý. Theo đó, đối tượng sẽ không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp sau:

  • Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam
  • Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng
  • Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa
  • Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó

Không gây nhầm lẫn cho tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Ngoài đáp ứng những điều kiện tại khoản 1 Điều 79 và không thuộc vào những trường hợp của Điều 80, thì chỉ dẫn địa lý đồng âm còn cần thỏa mãn thêm điều kiện không khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, nhầm lẫn với một chỉ dẫn địa lý khác đã được đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Hồ sơ và thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm

Bước 1: Nộp đơn đăng ký đến Cục sở hữu trí tuệ

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm (quy định tại Điều 106 Luật Sở hữu trí tuệ) Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý theo mẫu kèm theo các Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định chỉ dẫn địa lý cần bảo hộ trong đơn đăng ký, cụ thể gồm:

  • Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý;
  • Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
  • Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó;
  • Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
  • Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài;
  • Tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.

Bước 2: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và xử lý đơn

Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ được xét theo trình tự:

  • Thẩm định hình thức trong thời gian 1 tháng;
  • Công bố đơn trong thời hạn 2 tháng kể từ khi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý có quyết định chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ;
  • Thẩm định nội dung: thời gian không quá 6 tháng từ ngày công bố đơn.

Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Đây là bước cuối cùng trong thủ tục đăng ký, nếu đơn không đạt đầy đủ những điều kiện theo yêu cầu của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Nếu đơn đạt yêu cầu, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và ghi nhận bằng văn bản.

Dịch vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm của Luật Việt An

  • Tư vấn bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm;
  • Soạn thảo hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định;
  • Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình tại Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Trao đổi thông tin với khách hàng trong quá trình tiến hành thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm.

Mọi vướng mắc, khó khăn liên quan đến quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO