Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm và Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/02/2025. Theo đó, Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc dạy thêm của giáo viên và học thêm của phụ huynh, học sinh. Cụ thể, các cá nhân thực hiện việc dạy thêm ở nhà sẽ phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ giới thiệu các quy định về việc đăng ký kinh doanh dạy thêm từ 14/02/2025 theo quy định hiện hành.
Khái niệm dạy thêm, học thêm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, khái niệm dạy thêm, học thêm được hiểu là các hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Như vậy, những hoạt động dạy học phụ thêm ngoài giờ không liên quan tới các Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sẽ không được coi là dạy thêm, học thêm.
Ví dụ như: các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, luyện viết chữ đẹp, luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh,.. sẽ không được coi là hoạt động dạy thêm, học thêm.
Cũng theo quy định tại Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tổ chức thực hiện.
Hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thường được tổ chức ngoài giờ học chính khóa và thường dạy các môn học chính, như: Toán, Ngữ Văn, Lý, Hóa và các môn ngoại ngữ.
Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm
Hiện nay, Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã quy định các trường hợp giáo viên không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Cụ thể như sau:
Không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Tuy nhiên, học sinh tiểu học vẫn được học ngoài giờ chính khóa để bổi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống;
Giáo viên đang dạy học tại các trường học không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với những học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trên lớp;
Giáo viên hiện đang thuộc biên chế của các trường học công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, không được tổ chức dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng các kỹ năng ngoài các môn học theo chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Các giáo viên sẽ không được dạy thêm cho những học sinh mà giáo viên này phụ trách ở trên lớp, tuy nhiên, nếu như dạy thêm cho những học sinh không do giáo viên đó phụ trách ở trên lớp thì có thể được phép dạy thêm ngoài trường.
Ngoài ra, giáo viên hiện đang công tác giảng dạy tại các trường học công lập sẽ không được thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Trường hợp nào phải đăng ký kinh doanh dạy thêm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và có thu tiền của học sinh thì sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lưu ý rằng chỉ khi các tổ chức, cá nhân có thu tiền của học sinh thì mới phải đăng ký kinh doanh; nếu như các tổ chức, cá nhân dạy thêm không thực hiện thu tiền học phí của học sinh thì sẽ không phải thực hiện đăng ký kinh doanh.
Theo quy định hiện nay, các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm và có thu tiền học phí có thể thực hiện đăng ký kinh doanh theo hai hình thức sau:
Đăng ký thành lập doanh nghiệp: lựa chọn thành lập công ty cổ phần hoặc thành lập công ty TNHH 1 thành viên hoặc thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên;
Tùy thuộc vào quy mô tổ chức dạy thêm cũng như nhu cầu của tổ chức, cá nhân mà có thể lựa chọn một trong hai hình thức đăng ký kinh doanh trên cho phù hợp. Nếu có bất kỳ khó khan nào liên quan đến việc thành lập công ty hoặc đăng ký thành lập hộ kinh doanh, quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được các luật sư có kinh nghiệm và chuyên môn tư vấn tốt nhất.
Những ngành nghề kinh doanh cần đăng ký khi đăng ký kinh doanh dạy thêm
Khi đăng ký kinh doanh dạy thêm, các tổ chức, cá nhân cần phải thực hiện đăng ký mã ngành nghề kinh doanh phù hợp với hoạt động dạy thêm, học thêm của mình.
Theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, khi đăng ký kinh doanh dạy thêm, các tổ chức, cá nhân nên đăng ký các mã ngành cấp 4 sau:
8522 : Giáo dục trung học cơ sở
8523: Giáo dục trung học phổ thông
8551: Giáo dục thể thao và giải trí
8552: Giáo dục văn hóa nghệ thuật
Ngoài ra, có thể xem xét đăng ký một số mã ngành nghề kinh doanh hỗ trợ cho hoạt động dạy thêm, học thêm, như:
8559: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu
8560: Dịch vụ hỗ trợ giáo dục
Một số lưu ý khi đăng ký kinh doanh dạy thêm từ 14/02/2025
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định, các cơ sở dạy thêm cần phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở các thông tin sau:
Môn học được tổ chức dạy thêm;
Thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp;
Địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm;
Danh sách người dạy thêm;
Mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Việc công khai các thông tin này sẽ được trình bày theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
Người dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm cần phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Ngoài ra, nếu các giáo viên đang dạy học tại các nhà trường có nhu cầu tham gia dạy thêm ngoài nhà trường thì cần phải thực hiện báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Việt An về đăng ký kinh doanh dạy thêm từ 14/02/2025. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thêm về đăng ký kinh doanh dạy thêm cũng như các quy định mới về việc dạy thêm, học thêm, xin vui lòng liên hệ chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ kịp thời nhất.