Hoạt động du lịch ngày càng phát triển và nâng cao chất lượng bởi vậy lượng khách du lịch nước ta ngày càng tăng. Khách sạn chất lượng là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của du khách khi đi du lịch dài ngày. Bởi vậy, khách sạn càng nhiều sao thì tương đương với việc khách sạn đó càng cao cấp và đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, xếp loại sao như thế nào và tiêu chuẩn sao bắt nguồn tư đâu thì là thông tin mà nhiều người chưa biết đến. Bài viết dưới đây, Luật Việt An giải đáp thắc mắc cho Quý khách hàng về đăng ký tiêu chuẩn sao khách sạn.
Căn cứ pháp lý
Luật Du lịch năm 2017.
Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch năm 2017, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP và Nghị định 94/2021/NĐ-CP.
Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy đinh chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL và Thông tư 13/2021/TT-BVHTTDL.
Thông tư số 34/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định công nhận hạng cơ ở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tiêu chuẩn sao khách sạn là gì?
Khách sạn (hotel) là Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Số sao khách sạn được coi là bộ mặt và khẳng định đẳng cấp của các khách sạn. Đây là một trong những tiêu chuẩn để khẳng định vị thế của khách sạn so với đối thủ và thu hút sự chú ý của khách hàng đồng thời giúp quảng bá thương hiệu của khách sạn.
Tại Việt Nam, khách sạn đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1 đến 5 sao theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391: 2015 là khách sạn có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng phục vụ cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch về ăn, nghỉ, sinh hoạt, giải trí theo tiêu chuẩn của từng hạng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá thông qua các tiêu chí :
Vị trí, kiến trúc
Trang thiết bị, tiện nghi phục vụ
Người quản lý và nhân viên phục vụ
An ninh, an toàn, bảo vệ môi trường
Vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo đó, tùy theo từng cấp độ của từng tiêu chí mà đánh giá xếp hạng khách sạn.
Có bắt buộc phải đăng ký tiêu chuẩn sao cho khách sạn không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 50 Luật Du Lịch năm 2017 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Như vậy, các cơ sở kinh doanh loại hình khách sạn không bắt buộc đăng ký tiêu chuẩn sao thay vì bắt buộc như trước. Tuy nhiên điều này không có nghĩa các cơ sở lưu trú được tự ý tự phong chất lượng sao tùy thích mà muốn có sao khách sạn phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Việc đăng ký xét hạng sao khách sạn là thủ tục cần thiết để tạo sự chú ý và quảng bá thương hiệu của khách sạn, khẳng định và nâng tầm vị thế cạnh tranh.
Đối tượng được đăng ký xếp hạng tiêu chuẩn khách sạn
Căn cứ Khoản 2 Điều 50 Luật Du lịch năm 2017 quy định khách sạn được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao và 05 sao. Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định các loại hình khách sạn là đối tượng được đăng ký xếp hạng tiêu chuẩn khách sạn bao gồm:
Thứ nhất, khách sạn nghỉ dưỡng: là cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
Thứ hai, khách sạn bên đường là cơ sở lưu trú du lịch gần được giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
Thứ ba, khách sạn nổi: cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
Thứ tư, khách sạn thành phố: cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
Quy định hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn sao khách sạn?
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 50 Luật Du lịch 2017 hướng dẫn bởi điểm g Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL) thì hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn bao gồm:
Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL sửa đổi bởi Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL);
Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
Bản sao có chứng thực văn bằng; chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ; và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý; trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
Tổ chức, cá nhân khi đăng ký đánh giá tiêu chuẩn sao khách sạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu trên nộp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công nhận sao khách sạn là ai?
Căn cứ Khoản 3 Điều 50 Luật Du lịch 2017 quy định về thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:
Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao;
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao.
Như vậy, căn cứ vào nhu cầu xét sao khách sạn mà tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ: khách sạn muốn xét 5 sao thì nộp hồ sơ xét hạng đến Tổng cục Du lịch để thẩm định và được công nhận.
Quy trình đánh giá tiêu chuẩn sao khách sạn
Căn cứ Khoản 5, Khoản 6 Điều 50 Luật Du lịch 2017 quy định trình tự thủ tục công nhận hạng sao của khách sạn như sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
Bước 2: Ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch thẩm định và ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; trường hợp không công nhận, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 05 năm. Sau khi hết thời hạn, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nhu cầu đăng ký xếp hạng lại cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo quy định pháp luật.
Lệ phí đăng ký sao khách sạn hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư số 34/2018/TT-BTC quy định mức phí như bảng dưới đây:
STT
Tên phí
Mức thu (đồng/hồ sơ)
1
Thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (bao gồm thẩm định, công nhận mới và thẩm định, công nhận lại)
Hạng 1 sao, 2 sao
1.500.000
Hạng 3 sao
2.000.000
Hạng 4 sao, 5 sao
3.500.000
2
Thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (bao gồm thẩm định, công nhận mới và thẩm định, công nhận lại)
1.000.000
Như vậy, tùy vào số sao mà tổ chức, cá nhân kinh doanh khách sạn đăng ký mà mức lệ phí cần nộp cũng khác nhau, giao động từ 1.500.000 đến 3.500.000 đồng.
Dịch vụ đăng ký tiêu chuẩn sao khách sạn của Luật Việt An
Đăng ký thành lập khách sạn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước;
Tư vấn hồ sơ, điều kiện, thủ tục đăng ký sao cho khách sạn;
Soạn thảo hồ sơ đăng ký sao cho khách sạn;
Đại diện thực hiện thủ tục đăng ký;
Hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động kinh doanh khách sạn.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hoặc hỗ trợ thủ tục đăng ký tiêu chuẩn sao khách sạn, xin vui lòng liên hệ đến dịch vụ thành lập của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!