Hiện nay thị trường bảo hiểm ở Việt Nam ngày càng phát triển với các sản phẩm bảo hiểm vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa các sản phẩm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, dễ dẫn đến tranh chấp. Các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trong thời gian qua cũng không phải là ít cả về số lượng và tính chất phức tạp. Sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm bao gồm những nội dung gì?
Theo Khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Các loại hợp đồng bảo hiểm thường gặp:
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe
Hợp đồng bảo hiểm tài sản
Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
Theo Khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
Đối tượng bảo hiểm;
Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
Phương thức giải quyết tranh chấp.
Các dạng tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phổ biến hiện nay
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc tranh chấp đều xuất phát từ phía khách hàng khởi kiện công ty bảo hiểm do không được bồi thường thỏa đáng, hoặc cách giải quyết bồi thường chưa hợp lý. Các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm bao gồm một số tranh chấp như sau:
Tranh chấp về sự kiện bảo hiểm: Điều này thường xảy ra khi có sự không đồng nhất về việc xác định sự kiện bảo hiểm.
Tranh chấp về phạm vi bảo hiểm: Điều này liên quan đến việc xác định rõ ràng về những rủi ro nào được bảo hiểm và những rủi ro nào không.
Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm: Điều này thường xảy ra khi có sự không đồng nhất về thời điểm bắt đầu và kết thúc của hợp đồng bảo hiểm.
Tranh chấp về phương thức bồi thường, điều khoản chi trả và số tiền chi trả bảo hiểm.
Tranh chấp về số tiền bảo hiểm, thời hạn bồi thường
Tranh chấp về kết quả giám định thiệt hại đối với đối tượng được bảo hiểm
Tranh chấp về sự thiếu trung thực của các bên.
Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Căn cứ Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 về giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm: “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật”.
Căn cứ Điều 338 Bộ luật Hàng hải năm về giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hàng hải: “Các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp hàng hải bằng thương lượng, thỏa thuận hoặc khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền”
Như vậy, hiện nay các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
Thương lượng
Thương lượng là biện pháp giải quyết tranh chấp ban đầu mà các bên ưu tiên áp dụng vì sự linh hoạt của biện pháp này. Các ngồi có thể cùng đàm phán, thương lương và đưa ra ý kiến của mình để giải quyết tranh chấp.
Áp dụng biện pháp thương lượng không đòi hỏi các bên phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định mà còn có thể đảm bảo các yêu cầu về thời gian, chi phí cũng như tính bảo mật thông tin.
Tuy nhiên, với tính chất phức tạp của tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, thì thương lượng đạt hiệu quả không cao vì phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí hợp tác giữa các bên.
Hòa giải
Khi thương lượng không thành công, hòa giải là một lựa chọn tiếp theo. Đây là quá trình trong đó một bên thứ ba trung lập, như cơ quan hòa giải bảo hiểm, sẽ giúp các bên tranh chấp tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Hòa giải thương mại là phương thức được nhiều các bên tranh chấp lựa chọn bởi những tính ưu việt:
Một trong những điểm ưu việt khác của hòa giải thương mại là tính tính riêng tư và bảo mật. Khác với tòa án sau khi xét xử phải công khai bản án thì đối với hòa giải thương mại, mọi thông tin được các bên chia sẻ trong suốt quá trình hòa giải sẽ hoàn toàn được bảo mật, giữ kín.
Thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại được đánh giá là thân thiện và linh hoạt. Khi các bên tranh chấp cùng đồng ý tham gia hòa giải thì quá trình hòa giải mới được tiến hành.
Hòa giải diễn ra thông qua việc trao đổi giữa các bên được diễn ra trong một môi trường thân thiện và linh hoạt mà không đòi hỏi phải áp dụng một cách cứng nhắc bất kỳ quy trình thủ tục nào như một phiên xét xử tại Tòa án.
Hiện nay, người dân có thể tìm kiếm thông tin về các trung tâm hòa giải thương mại, trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại vụ việc trên trang web của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố.
Trọng tài
Trong trường hợp này các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài vì ít nhất trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm luôn có sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận về trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Theo quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Thủ tục giải quyết các tranh chấp bằng Trọng tài thương mại thường có thủ tục đơn giản, thuận tiện hơn Tòa án. Quyết định của trọng tài là chung thẩm có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên, các bên không thể kháng cáo, sẽ giúp giảm chi phí về thời gian và tiền bạc của các bên trong quá trình tham gia giải quyết vụ án. Ngoài ra, tố tụng trọng tài thường ít cứng nhắc hơn tố tụng Tòa án, giúp các bên chủ động và thuận lợi hơn trong quá trình tham gia tố tụng
Tòa án
Tòa án là phương thức giải quyết cuối cùng và cũng là phương thức mang tính quyền lực nhà nước nên có cơ chế bảo đảm thực hiện một cách hiệu quả. Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì các bên trong tranh chấp có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Có hai trường hợp có thể xảy ra trong trường hợp này, được xác định như sau:
Tranh chấp được xác định là vụ án dân sự thông thường theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nếu hợp đồng bảo hiểm tài sản được xác lập giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, và bên mua bảo hiểm không có mục đích kinh doanh thu lợi nhuận.
Tranh chấp được xác định là vụ án kinh doanh, thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nếu hợp đồng bảo hiểm tài sản được xác lập giữa doanh nghiệp bảo hiểm với cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận.
Trong cả hai trường hợp trên thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đều thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Lưu ý, thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Những tài liệu, chứng cứ khách hàng cần lưu ý cung cấp khi sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Trường hợp sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm của Luật Việt An, quý khách hàng cần lưu ý cung cấp những tài liệu, chứng cứ như sau:
Bộ hợp đồng bảo hiểm; điều khoản, quy tắc sản phẩm;
Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm;
Chứng từ nộp phí bảo hiểm
Các giấy tờ chứng minh sự kiện bảo hiểm như giấy khám sức khỏe, giấy giám định,…
Các thông báo, quyết định của doanh nghiệp bảo hiểm gửi cho khách hàng liên quan đến tranh chấp,…
Lưu ý liên quan đến yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm
Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm
Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, khách hàng có thể nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên cần lưu ý thời hạn nộp hồ sơ để tránh xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp. Cụ thể:
Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Trường hợp người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng chứng minh được rằng không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn này được tính từ ngày người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.
Số tiền bồi thường
Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm
Phạm vi được bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường, trả tiền bảo hiểm đối với những sự kiện bảo hiểm thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Trên đây là cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm Luật Việt An. Quý khách hàng có nhu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm cũng như những tranh chấp khác, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!