Đơn khởi kiện là văn bản tối thiểu cần có của hồ sơ khởi kiện tại cơ quan tài phán (trọng tài hoặc tòa án) được lập trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm và cá nhân, tổ chức đó có nguyện vọng yêu cầu Tòa án giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong bài viết của Luật Việt An, chúng tôi tập trung vào đơn khởi kiện tại tòa án theo quy định hiện hành của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 dưới đây.
Đơn khởi kiện bao gồm những nội dung nào?
Theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định đơn khởi kiện bao gồm những nội dung sau:
Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (nếu có), trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó.
Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có), nếu không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chị nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm;
Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Mẫu đơn khởi kiện
Mẫu đơn khởi kiện là mẫu số 23-DS nằm trong danh mục được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.
Lưu ý về nội dung của đơn khởi kiện
Tên đơn: Viết in hoa, căn giữ trang giấy
Kính gửi: điền tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án.
Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi ích được bảo vệ, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng:
Là cá nhân thì ghi họ tên;
Là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó;
Là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
Địa chỉ: ghi nơi cư trú:
Nếu là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H);
Nếu là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề: nêu rõ cụ thể từng yêu cầu tòa án giải quyết kèm theo căn cứ pháp lý.
Danh mục tài liệu kèm theo ghi rõ gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự.
Những tài liệu kèm theo đơn khởi kiện
Bên cạnh đơn khởi kiện, người khởi kiện cần kèm theo các tài liệu sau:
Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện;
Giấy tờ tùy thân của người bị kiện nếu có;
Biên bản hòa giải nếu có;
Tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện như video, hình ảnh, tin nhắn,…
Ví dụ:
Trong vụ án ly hôn cần có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy tờ pháp lý của người yêu cầu ly hôn, giấy xác nhận tình trạng cư trú, giấy khai sinh của con, đơn nguyện vọng của con.
Trong vụ án tranh chấp đất đai cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất như sổ mục kê, bản đồ địa chính, biên bản hòa giải, văn bản thừa kế.
Lưu ý khi làm, soạn thảo đơn khởi kiện, đơn tố cáo
Về địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
Địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự được pháp luật hướng dẫn theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án như sau:
Là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống: Nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống;
Là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam: Nơi cư trú của họ được xác định theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Là người nước ngoài, người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài: Nơi cư trú của họ được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận;
Là cơ quan, tổ chức có quốc tịch Việt Nam: Địa chỉ của cơ quan, tổ chức được xác định là nơi cơ quan, tổ chức đó có trụ sở chính hoặc chi nhánh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật;
Lưu ý: Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.
Về chữ ký của người khởi kiện
Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó;
Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ;
Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về thẩm quyền Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện
Tòa án chỉ thụ lý những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Để xác định tranh chấp có thuộc thẩm quyền chung về dân sự của tòa án hay không cần căn cứ vào các quy định tại Điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ngoài ra đơn khởi kiện còn phải được gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền xét xử theo cấp xét xử theo Điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và phải đúng thẩm quyền theo lãnh thổ theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trong trường hợp người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án theo Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự phải cam kết không khởi kiện tại các Tòa khác, nếu do các bên thỏa thuận lựa chọn Tòa án giải quyết thì phải kiểm tra tính hợp pháp của thỏa thuận.
Về điều kiện thụ lý đơn khởi kiện
Dưới đây là một số điều kiện thụ lý đơn khởi kiện mà mọi người có thể tham khảo để tránh trường hợp đơn khởi kiện của mình không được thụ lý do vi phạm các điều kiện về thụ lý đơn khởi kiện.
Một số câu hỏi liên quan về đơn khởi kiện
Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức online được không?
Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định có 03 phương thức nộp đơn khởi kiện:
Nộp đơn trực tiếp tại Tòa án;
Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Đơn khởi kiện có viết tay được không?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Không có quy định về việc đơn khởi kiện bắt buộc đánh máy không hay có thể viết tay. Chính vì vậy, người khởi kiện có thể viết tay hoặc đánh máy đơn khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện
Theo quy định tại khoản 1 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do vậy, người khởi kiện cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện đối với từng loại tranh chấp được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Dịch vụ viết, soạn thảo đơn khởi kiện, đơn tố cáo của Luật Việt An
Luật Việt An là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ viết đơn khởi kiện hàng đầu tại Việt Nam, khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi, khách hàng sẽ được:
Tư vấn pháp lý liên quan đến vấn đề của khách hàng;
Phân tích vụ việc và đưa ra nhận định ban đầu;
Xác định tư cách tham gia tố tụng của những người có liên quan;
Hướng dẫn thu thập thông tin thể hiện trong đơn khởi kiện;
Tư vấn, hướng dẫn cách ghi các nội dung, yêu cầu khởi kiện;
Soạn thảo đơn khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật;
Rà soát đơn khởi kiện và chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu của khách hàng;
Nộp hồ sơ khởi kiện, đại diện tham gia tố tụng nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Luật Việt An.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An về cách viết đơn khởi kiện. Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ viết đơn khởi kiện có thể liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.