Điểm mới Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về chỉ dẫn địa lý
Điểm mới Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về chỉ dẫn địa lý đã mang đến những thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Với hiệu lực thi hành từ năm 2023, những điều khoản mới này tạo ra một cơ chế bổ sung và nâng cao mức độ bảo vệ cho các chỉ dẫn địa lý. Trước những thay đổi này, Luật Việt An sẽ trình bày những điểm mới quan trọng trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 liên quan đến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022.
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Khái niệm chỉ dẫn địa lý
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã chỉnh sửa về kỹ thuật khái niệm chỉ dẫn địa lý tại khoản 22. Cụ thể, theo Luật mới, chỉ dẫn địa lý được định nghĩa là “dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể”. So với định nghĩa cũ “chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”, định nghĩa mới đã bảo đảm sự hợp lý hơn về cách diễn đạt mà không thay đổi nội hàm của quy định.
Đồng thời, Luật mới cũng bổ sung khoản 22a về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm tại Điều 4. Theo đó, khái niệm “chỉ dẫn địa lý đồng âm” là một khái niệm hoàn toàn mới, được áp dụng từ năm 2023 dưới định nghĩa sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
22a. Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.”
Đồng thời với khái niệm này, điều kiện bảo hộ đối với các Chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng được bổ sung tại khoản 2 Điều 79, cụ thể bao gồm các tiêu chí sau:
Được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
Bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Theo đó, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm cần bổ sung tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài
Để phù hợp với cam kết trong EVFTA và thực tiễn, Luật mới đã bổ sung quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ tại Việt Nam tại khoản 2 Điều 88. Việc đăng ký đơn dưới dạng đề nghị quốc tế theo điều ước quốc tế của Việt Nam được thực hiện theo Điều 120a mới được bổ sung tại Luật Sở hữu trí tuệ với đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ và thủ tục, trình tự tương tự như đăng ký trong nước.
Theo hướng dẫn tại Điều 91 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, trong trường hợp này, chủ thể quyền nước ngoài có thể sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoặc tài liệu khác chứng minh chủ thể quyền theo quy định pháp luật của nước xuất xứ để chứng minh quyền của mình trong trường hợp chỉ dẫn địa lý của nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam. Riêng đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo điều ước quốc tế, chủ sở hữu quyền có thể sử dụng các tài liệu, thông tin trong điều ước quốc tế có nội dung về công nhận, bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp để làm minh chứng.
Trường hợp chỉ dẫn địa lý nước ngoài không còn được bảo hộ ở nước xuất xứ được bổ sung thành một căn cứ để chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Điều 95.1(k) Luật Sở hữu trí tuệ. Thời điểm chấm dứt văn bằng đồng nhất với ngày chỉ dẫn địa lý không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Để phù hợp với EVFTA và thực tiễn, Điều 92.2 của Luật mới đã bỏ đi quy định thông tin về “tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý” là một nội dung được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ.
Đồng thời, các quy định về sửa đổi văn bằng bảo hộ tại Điều 97 của Luật mới cũng có bổ sung liên quan đến người có quyền yêu cầu sửa đổi và thông tin được phép thay đổi, sửa chữa thiếu sót. Cụ thể, các “tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Điều 88” cũng có quyền yêu cầu sửa đổi tương tự như đối với chủ văn bằng bảo hộ. Bên cạnh các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ thì Luật mới cũng cho phép việc sửa đổi nội dung về (i) quốc tịch và (ii) tên của tác giả, chủ văn bằng, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý để phù hợp với những nội dung cập nhật về quyền đăng ký, quyền yêu cầu sửa đổi ở trên.
Quyền quản lý chỉ dẫn địa lý
Liên quan đến việc thực hiện quyền quản lý, Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện quyền này tại Điều 37, 38 Nghị định 65/2023/NĐ-CP để phân định rõ vai trò quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu tài sản là Nhà nước tại Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ.
Luật 2022 đã bỏ quy định về tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng tại Điều 123.2(a). Theo đó, các chủ thể được trao quyền sử dụng, quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay chỉ có quyền ngăn cấm người khác sử dụng theo quy định của pháp luật để phù hợp với quy định sửa đổi của Điều 121 về chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.
Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý
Quy định tại Điều 213 trong Luật Sở hữu trí tuệ trước khi được sửa đổi năm 2022 đã hợp nhất hai khái niệm “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” và “Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý” vào thành khái niệm “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” khi quy định dẫn đến một số bất cập khi áp dụng cho hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý trên thực tế.
Luật mới 2022 đã tách biết hai khái niệm này dựa trên những khác biệt trong cơ chế bảo hộ và đặc điểm hành vi xâm phạm của chúng. Theo đó, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý được định nghĩa cụ thể là
“hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó”.
Cạnh tranh không lành mạnh đối với chỉ dẫn địa lý
Mối liên hệ giữa tên miền và các đối tượng sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chống lại các hành vi lạm dụng chiếm hữu, sử dụng trái phép tên miền trùng hoặc tương tự với đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp hợp pháp của chủ thể khác. Trong luật mới, các hành vi này được mở rộng hơn không chỉ đối với các đối tượng đã đăng ký tên miền mà chỉ cần có hành vi “chiếm hữu, sử dụng” tên miền có yếu tố xâm phạm là đã thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này.
Ngoài ra, nhằm khái quát hóa mục đích cấu thành của hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì luật mới đã sử dụng thuật ngữ “dụng ý xấu” thay cho các quy định mang tính liệt kê như trước đây nhằm đảm bảo sự thống với pháp luật một số quốc gia khác và quy định quốc tế trong Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDPR) do Tổ chức quản lý tên miền quốc tế ICANN và WIPO phối hợp ban hành. Quy định này giúp mở rộng phạm vi chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền đang diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi hơn trên thực tế.
Dịch vụ của Luật Việt An về thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý
Tư vấn pháp luật về thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý;
Soạn thảo hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý;
Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình tại Cục Sở hữu trí tuệ;
Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Trên đây là một số nội dung cập nhật của Luật Việt An liên quan đến các điểm mới Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về chỉ dẫn địa lý. Quý khách có nhu cầu tư vấn thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được tư vấn!