Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 thì thời hạn của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm và thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.
Như vậy, trong quá trình thực hiện dự án, do tác động từ môi trường kinh doanh hay từ chính nhu cầu, khả năng của mình mà nhà đầu tư có thể điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý không được điều chỉnh quá thời hạn tối đa mà pháp luật cho phép. Khi thực hiện điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
Báo cáo tình hình thực hiện dự án và Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật);
Bản công chứng Báo cáo tài chính kiểm toán gần với thời điểm điều chỉnh nhất;
Thông tin làm đề xuất dự án: Số lượng lao động nước ngoài, số lượng lao động Việt Nam; Số điện thoại, email nhà đầu tư, Số điện thoại Công ty tại Việt Nam, Diện tích trụ sở chính;
Hộ chiếu công chứng và xác nhận tạm trú (thẻ tạm trú) của người đại diện theo pháp luật;
Bản sao các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh đã cấp (đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư);
Hoặc Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư và các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/ Giấy phép kinh doanh đã cấp (nếu có) (Đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư);
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế (Đối với trường hợp công ty chưa tách Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);
Văn bản ủy quyền trong trường hợp nhà đầu tư không trực tiếp nộp hồ sơ.
Theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì bản sao hợp lệ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính hoặc bản in từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp và đầu tư.
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước, thì khi có sự điều chỉnh về thời hạn thực hiện dự án, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Lưu ý: Đối với những trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện việc tách Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì khi có sự điều chỉnh về thời hạn thực hiện dự án đầu tư, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục sau:
– Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (phần dự án đầu tư cũ) theo thủ tục đầu tư. Kết quả là nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với những nội dung sau khi điều chỉnh và nội dung dự án đầu tư trong Giấy chứng nhận đầu tư cũ sẽ hết hiệu lực;
– Nếu có nhu cầu, nhà đầu tư có thể thực hiện việc thực hiện tách giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nội dung đăng ký kinh doanh trên Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cũ. Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp.