Ngày nay, việc góp vốn thành lập công ty tại Việt Nam đã trở nên vô cùng phổ biến. Số lượng các doanh nghiệp ngày càng phát triển nhiều hơn, hoạt động đa dạng hơn, phổ biến hơn tại thị trường Việt Nam và trên toàn thế giới. Các chủ sở hữu doanh nghiệp trong quá trình góp vốn thành lập doanh nghiệp và quá trình đưa doanh nghiệp của mình vào hoạt động sẽ gặp những khó khăn về mặt tài chính và có nguyện vọng chính đáng là được rút lại phần vốn góp mà mình đã góp vào doanh nghiệp trước đó để trang trải cho cuộc sống. Pháp luật Việt Nam và cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục thực hiện việc rút vốn hay nói cách khác là các điều kiện để giảm vốn điều lệ của các công ty tại Việt Nam. Để tìm hiểu về quy định pháp lý liên quan đến điều kiện giảm vốn điều lệ công ty tại Việt Nam, Luật Việt An đưa ra một số ý kiến tư vấn trong bài viết sau.
Cơ sở pháp lý
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ (Charter Capital) là một thuật ngữ kinh tế được dùng vô cùng rộng rãi trên thị trường kinh tế thế giới và dùng để mô tả tổng số vốn mà các thành viên hay cổ đông đóng góp hoặc cam kết sẽ đóng góp trong một khoảng thời gian nhất định và được ghi vào điều lệ của công ty hay các tổ chức doanh nghiệp.
Căn cứ vào khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì vốn điều lệ là: “tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”. Như đã đề cập thì các chủ thể phải thực hiện hoạt động góp vốn bao gồm: Thành viên công ty; Chủ sở hữu công ty; cổ đông công ty cổ phần.
Quy định về góp vốn vào doanh nghiệp
Góp vốn là hoạt động mà theo đó người góp vốn cam kết thực hiện việc góp tài sản của mình vào doanh nghiệp. Việc góp vốn vào doanh nghiệp được phân biệt thành 2 trường hợp:
Góp vốn vào thời điểm thành lập doanh nghiệp và
Góp vốn vào doanh nghiệp đang hoạt động.
Hoạt động góp vốn vào thời điểm thành lập doanh nghiệp
Loại hình doanh nghiệp
Điều kiện góp vốn
Chủ thể góp vốn
Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Chủ sở hữu: bao gồm tất cả cá nhân và tổ chức (tối thiểu 02 và tối đa là 50) (không thuộc các trường hợp bị cấm theo Luật định)
Công ty TNHH Một thành viên
Chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức (Chỉ có 01 chủ sở hữu)
Công ty Cổ phần
Các cổ đông (tối thiếu 03 cổ đông)
Công ty Hợp danh
Không quy định
Thành viên Hợp danh và thành viên góp vốn
Quy định về thủ tục rút vốn điều lệ và điều kiện cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam
Loại hình doanh nghiệp
Điều kiện rút vốn
Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên
Chủ sở hữu không góp đúng, góp đủ số vốn theo cam kết tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp thì phần vốn cam kết góp sẽ được loại trừ, người đại diện theo pháp luật phải làm thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.
Công ty mua lại phần vốn góp theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty
Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên
Công ty TNHH Một thành viên
Chủ sở hữu không góp đúng, góp đủ số vốn theo cam kết tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp thì chủ sở hữu doanh nghiệp phải làm thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước
Hoàn trả (không hoàn trả toàn bộ) vốn góp của chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động liên tục 02 năm kể từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và đảm bảo sau khi hoàn tất thủ tục hoàn trả thì doanh nghiệp vẫn đủ khả năng chi trả các nghĩa vụ tài sản đối với các chủ thể có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần
Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp:
Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì đương nhiên không còn là cổ đông công ty;
Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ được ghi nhận tương ứng với số lượng đã thực tế mua;
Cổ phần chưa thanh toán sẽ được Hội đồng quản trị quyết định chào bán;
Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại công ty theo Quyết định của Đại hội đồng cổ đông khi công ty đã hoạt động từ 02 năm trở lên (kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và phải đảm bảo còn đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính với các chủ thể khác có liên quan.
Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty
Công ty hợp danh
Đối với thành viên Góp vốn: Việc không góp đủ số vốn cam kết sẽ được xem là khoản nợ của thành viên Hợp danh đó với công ty và có thể bị khai trừ khỏi công ty;
Đối với thành viên Hợp danh: Nếu gây thiệt hại do hành vi không góp đủ vốn theo cam kết thì phải bồi thường cho công ty.
Hậu quả pháp lý của hành vi giảm vốn điều lệ
Khi thực hiện hành vi giảm vốn điều lệ thì doanh nghiệp có thể đối diện với các hậu quả pháp lý sau: (1) Thay đổi loại hình doanh nghiệp, (2) Phá sản và (3) Hoạt động bình thường.
Thay đổi loại hình doanh nghiệp
Như đã đề cập bên trên thì các trường hợp doanh nghiệp giảm vốn điều lệ bao gồm 3 trường hợp là: khi không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết tại thời điểm thành lập doanh nghiệp; sau 02 năm kể từ ngày thành lập doanh nghiệp và theo Quyết định cá biệt.
Đối với trường hợp tại Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và Công ty cổ phần thì tại giai đoạn thành lập doanh nghiệp việc các chủ sở hữu/ cổ đông không thực hiện cam kết về việc góp vốn/ mua cổ phần dẫn đến việc các thành viên nêu trên không trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp qua đó gián tiếp không đảm bảo số lượng tối thiểu để thành lập doanh nghiệp (tối thiểu là 02 thành viên đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và 03 Cổ đông sáng lập đối với Công ty cổ phần). Vì vậy, đối với Công ty cổ phần có thể chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc Công ty TNHH Một thành viên còn Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể trở thành Công ty TNHH Một thành viên hoặc loại hình doanh nghiệp khác phù hợp với nhu cầu của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phá sản
Mặc dù Luật Doanh nghiệp quy định khi các doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ phải đảm bảo sau khi hoàn tất thủ tục phải có khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, việc kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào yếu tố thị trường, do đó không có cơ sở đảm bảo vững chắc trong ngắn hạn doanh nghiệp có thể đảm bảo các khả năng chi trả cho các chủ thể khác, do đó dẫn đến doanh nghiệp buộc phải phá sản.
Hoạt động bình thường
Khác với hai hậu quả pháp lý trên, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp vẫn hoạt động bình thường và không có các rủi ro tài chính nào diễn ra đối với doanh nghiệp do trong quá trình giảm vốn có sự tư vấn pháp lý để tuân thủ đúng quy định của pháp luật và loại trừ tối đa các rủi ro tiềm ẩn cho doanh nghiêp.
Thủ tục giảm vốn điều lệ
Doanh nghiệp tiến hành cuộc họp giữa các chủ sở hữu/ cổ đông nhằm ra Quyết định về việc Giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp, sau đó tiến hành sửa đổi điều lệ, gửi văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước và thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Hệ quả pháp lý của việc giảm vốn điều lệ nhưng không thực hiện thủ tục báo cáo đối với cơ quan Nhà nước
Căn cứ vào Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp không thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ sau khi doanh nghiệp thực tế đã giảm vốn điều lệ sẽ được hiểu là đang thực hiện hành vi kê khai khống vốn điều lệ và phải chịu mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
Dịch vụ giảm vốn điều lệ đối với doanh nghiệp của Luật Việt An
Tư vấn thực hiện hoạt động giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;
Đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục đăng ký đối với cơ quan nhà nước trong trường hợp công ty thực hiện hoạt động giảm vốn điều lệ.
Tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp sau khi giảm vốn, trong quá trình hoạt động.
Trên đây là những tư vấn sơ bộ về điều kiện giảm vốn điều lệ công ty tại Việt Nam của Luật Việt An. Quý khách có nhu cầu tư vấn pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hiệu quả nhất.