Hiện nay, với một thị trường sôi nổi và nhiều tiềm năng, nhu cầu kinh doanh quần áo đang ngày càng tăng cao, đặc biệt khi các bạn trẻ đang có xu hướng khởi nghiệp, kinh doanh từ sớm, chưa có số vốn lớn trong tay. Song không phải ai cũng có kiến thức để thực hiện đúng, đủ các điều kiện kinh doanh quần áo theo quy định của pháp luật hiện hành. Bài viết sau đây của Công ty Luật Việt An sẽ cung cấp đến quý khách những thông tin chi tiết nhất về điều kiện kinh doanh quần áo, nhằm tránh các rủi ro về mặt pháp lý khi bắt đầu kinh doanh mặt hàng này.
Căn cứ pháp lý
Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam tại WTO;
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh;
Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh.
Điều kiện gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo các biểu cam kết về thương mại dịch của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, về phạm vi hoạt động, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện dưới các hình thức đã được Việt Nam cam kết gồm:
Đại lý hoa hồng;
Bán buôn;
Bán lẻ;
Nhượng quyền thương mại.
Riêng đối với hình thức bán lẻ, điều kiện đối với lập cơ sở bán lẻ từ cơ sở thứ hai trở lênđược quy định như sau:
Việc thành lập cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) của địa bàn nơi đặt cơ sở bán lẻ theo các tiêu chí: Số lượng cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ.
Quy định trên không áp dụng cho trường hợp cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trừ trường hợp có thay đổi quy hoạch và điều kiện này không còn tồn tại nữa.
Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại, Việt Nam đặt ra điều kiện với các nhà đầu tư trong khuôn khổ WTO phải đáp ứng các điều kiện sau:
Hệ thống kinh doanh hoạt động có thâm niên ít nhất 1 năm hoạt động; và
Trong trường hợp thương nhân Việt Nam là bên Nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh trong lĩnh vực này ít nhất 1 năm ở Việt Nam trươc khi tiến hành thủ tục nhượng quyền thương mại.
Kinh doanh quần áo có cần đăng ký hay không?
Pháp luật quy định về các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh bao gồm:
Buôn bán rong (buôn bán dạo): là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này;
Buôn bán vặt: là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ; có hoặc không có địa điểm cố định;
Bán quà vặt: là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước); có hoặc không có địa điểm cố định;
Buôn chuyến là: hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Như vậy, theo quy định trên, việc đăng ký kinh doanh khi kinh doanh quần áo là bắt buộc khi việc kinh doanh quần áo được thực hiện dưới hình thức:
Một hoạt động thương mại thường xuyên, độc lập, sinh lợi đóng vai trò là nguồn thu nhập chính; và
Không thuộc vào các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh.
Các hình thức đăng ký kinh doanh quần áo là gì?
Việc đăng ký kinh doanh quần áo có thể được chia thành 2 hình thức:
Mở hộ kinh doanh;
Thành lập doanh nghiệp.
Nhìn chung, việc lựa chọn kinh doanh quần áo theo hình thức mở hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào số vốn ban đầu và quy mô kinh doanh mong muốn của Quý khách. Với số vốn nhỏ hơn, điều kiện và thủ tục đăng ký kinh doanh theo hình thức mở hộ kinh doanh sẽ đơn giản hơn so với hình thức thành lập doanh nghiệp.
Điều kiện kinh doanh quần áo
Điều kiện kinh doanh
Kinh doanh theo hình thức mở hộ kinh doanh
Kinh doanh theo hình thức thành lập doanh nghiệp
Điều kiện về số lượng lao động
Được sử dụng không quá 10 lao động.
Số lượng lao động trên 10 người và không giới hạn số lượng lao động.
Điều kiện về địa điểm kinh doanh
Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, không được lập chi nhánh, địa điểm, văn phòng đại diện khác.
Không giới hạn địa điểm kinh doanh: có trụ sở giao dịch ổn định, có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.
Điều kiện về con dấu
Không có con dấu.
Phải có con dấu doanh nghiệp.
Điều kiện về tên
· Bao gồm thành tố “Hộ kinh doanh” và tên riêng của hộ kinh doanh.
· Tên không trùng với tên của loại hình hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
· Bao gồm ít nhất hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng doanh nghiệp.
· Tên công ty không được trùng hay dễ gây nhầm lẫn với các công ty đã được đăng ký trên cổng đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Điều kiện về thuế
Kinh doanh quần áo dưới hình thức hộ kinh doanh phải đóng 3 loại thuế:
· Thuế môn bài;
· Thuế giá trị gia tăng;
· Thuế thu nhập cá nhân.
Kinh doanh quần áo dưới hình thức thành lập công ty phải đóng 3 loại thuế:
· Thuế môn bài;
· Thuế giá trị gia tăng;
· Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thủ tục kinh doanh quần áo với hình thức mở hộ kinh doanh
Bước 1: Chuẩn bị và nộp bộ hồ sơ
Quý khách chuẩn bị bộ Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh gồm:
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
Ngành, nghề kinh doanh;
Số vốn kinh doanh;
Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
Hợp đồng thuê cửa hàng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quý khách nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh với lệ phí: 100.000 đồng/ lần.
Bước 2: Xem xét hồ sơ thành lập hộ kinh doanh
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định này;
Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Bước 3: Nhận kết giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Đại diện hộ kinh doanh sẽ nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký, đăng ký kê khai thuế với cơ quan thuế và đi vào hoạt động kinh doanh.
Nếu sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Thủ tục đăng ký kinh doanh quần áo theo hình thức thành lập doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị và nộp bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Chủ sở hữu tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm
Giấy đề nghị đăng ý doanh nghiệp;
Điều lệ công ty;
Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (đối với công ty cổ phần); Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên);
Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (nếu là cá nhân); quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương và thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu kèm văn bản ủy quyền cho người quản lý vốn tại Việt Nam (nếu là tổ chức);
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
Bước 2: Công bố nội dung thông tin doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố gồm
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Thông tin cụ thể về ngành, nghề kinh doanh;
Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).
Phí công bố: Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Mức lệ phí công bố là 100.000 đồng
Bước 3: Khắc dấu của doanh nghiệp
Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp;
Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Quý khách hàng có nhu cầu muốn được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin về kinh doanh quần áo hoặc kinh doanh các mặt hàng khác, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!