Điều kiện thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm
Hiện nay, thị trường kinh doanh bảo hiểm đang ngày càng được phát triển. Bên cạnh hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh bảo hiểm, pháp luật còn cho phép thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm. Vậy khi thành lập loại hình công ty này, cần lưu ý những điều kiện gì? Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về điều kiện thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm theo pháp luật hiện hành.
Luật điều chỉnh kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam
Biểu mẫu Cam kết về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
Luật Đầu tư năm 2020;
Luật Doanh nghiệp năm 2020;
Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm,
Công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm là gì?
Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, công ty cổ phần là một trong hai hình thức hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bên cạnh công ty trách nhiệm hữu hạn.
Như vậy, có thể hiểu công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm là loại hình doanh nghiệp được thành lập để tiến hành kinh doanh bảo hiểm theo quy định pháp luật.
Điều kiện về tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài
Theo Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, không hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài về kinh doanh bảo hiểm nói chung và thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm nói riêng, trừ trường hợp:
Doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài không được kinh doanh các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc, bao gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, bảo hiểm xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm các công trình dầu khí và các công trình dễ gây nguy hiểm đến an ninh cộng đồng và môi trường. Hạn chế này sẽ được bãi bỏ vào ngày 1/1/2008.
Như vậy, hiện này, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm.
Điều kiện thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm
Kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020. Vì vậy, bên cạnh những điều kiện về thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020 như về tên gọi, trụ sở, chủ thể thành lập,… thì khi thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm, cần phải đáp ứng những điều kiện theo Điều 64 và Điều 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020;
Một cổ đông cá nhân không được góp vượt quá 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Ngoài các điều kiện chung, riêng đối với loại hình công ty cổ phần, Điều 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 còn yêu cầu có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và phải đáp ứng các điều kiện về tài chính tại Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:
Hoạt động hợp pháp và kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;
Điều kiện về vốn
Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định tại Điều 35 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Cụ thể vốn điều lệ tối thiểu được quy định như sau:
Điều kiện về nhân sự
Có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Điều kiện, tiêu chuẩn chung
Có quyền quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 03 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm; không bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm được bầu, bổ nhiệm.
Điều kiện riêng
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc có ít nhất 05 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên có ít nhất 03 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.
Điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý khác không thuộc trường hợp trên là có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn dự kiến đảm nhiệm.
Mã ngành nghề kinh doanh bảo hiểm theo VSIC
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, nhóm ngành nghề bảo hiểm gồm: Hoạt động về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và tái bảo hiểm nhân thọ có hoặc không có yếu tố tiết kiệm. Nhóm ngành nghề bảo hiểm cũng gồm: Hoạt động của các đơn vị pháp nhân (quỹ, kế hoạch hoặc chương trình) được lập ra để cung cấp lợi ích thu nhập hưu trí bảo đảm cho người lao động hoặc các thành viên.
Cụ thể mã ngành nghề kinh doanh bảo hiểm theo VSIC:
6511: Bảo hiểm nhân thọ. Nhóm này gồm: Nhận tiền đóng và chi trả bảo hiểm hàng năm và các chính sách của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp (có hoặc không có yếu tố tiết kiệm).
6512: Bảo hiểm phi nhân thọ. Nhóm này gồm: Việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm khác trừ bảo hiểm nhân thọ như: bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh; bảo hiểm nông nghiệp…
6513: Nhóm bảo hiểm sức khỏe khác gồm: Nhận tiền đóng bảo hiểm của khách hàng về tai nạn con người, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, chi trả cho khách hàng những thiệt hại về sức khỏe trong phạm vi quy định.
6622: Hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm. Nhóm Hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm gồm: Hoạt động của các đại lý và môi giới (trung gian bảo hiểm) bảo hiểm trong việc bán, thương lượng hoặc tư vấn về chính sách bảo hiểm.
Một số lưu ý khi thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm
Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần đến 100% vốn điều lệ của công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm.
Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, không cần tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh mà chỉ cần tiến hành thủ tục xin Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Sau khi cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức hoạt động, công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép và ngày dự kiến chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử của Việt Nam.
Một số công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm hiện nay
Hiện nay, ở Việt Nam, có thể kể đến một số công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm như:
Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex – Công ty bảo hiểm PJICO Đông Đô
Tầng 2, Tầng 3, Tòa nhà số 188 Trường Chinh, Phường Khương Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Mã ngành chính 65129: Bảo hiểm phi nhân thọ khác
Công Ty Cổ Phần Bảo Hiểm Viễn Đông
80 Võ Văn Tần, Phường 06, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Mã ngành chính 65129: Bảo hiểm phi nhân thọ khác
Công Ty Cổ Phần Bảo Hiểm AAA
Tòa Nhà An Phú Plaza 117, 119 Lý Chính Thắng, Phường 07, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Mã ngành chính 65110: Bảo hiểm nhân thọ
Tổng công ty cổ phần bảo hiểm quân đội
Tầng 6 và tầng 7, Tòa nhà văn phòng số1 4, Phố Lý Nam Đế, Phường Hàng Mã, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mã ngành chính 96390: Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác còn lại chưa được phân vào đâu
Công Ty Cổ Phần Bảo Hiểm Hàng Không – Chi Nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh
Quý khách hàng có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về điều kiện thành lập công ty cổ phần kinh doanh bảo hiểm như các doanh nghiệp khác, xin vui lòng liên hệ dịch vụ tư vấn của Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!