Doanh nghiệp có trách nhiệm lập báo cáo tài chính (BTCT) năm và nộp theo đúng quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu do mình báo cáo. Vậy doanh nghiệp, tổ chức có được gia hạn BCTC năm hay không? Đó là câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp do chưa nắm rõ được về quy định nộp BCTC cụ thể như nào? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết gia hạn nộp báo cáo tài chính năm dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
Thông tư số 151/2014/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
Thông tư 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo tài chính (BCTC) là gì?
Báo cáo tài chính là một loại hồ sơ bằng văn bản truyền đạt các thông tin về hoạt động kinh doanh và hiệu quả tài chính của một doanh nghiệp hoặc của một tổ chức.
Báo cáo tài chính phản ánh tình hình tài chính của một doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định như cuối quý hoặc cuối năm. Khi nhìn vào bản báo cáo tài chính của công ty, người đọc có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình lãi lỗ trong doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng cùng doanh thu cũng như các chi phí cấu thành lên kết quả kinh doanh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng
Đối tượng lập BCTC năm bao gồm:
Hệ thống BCTC năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước.
Việc ký BCTC phải thực hiện theo quy định của Luật Kế toán.
Trường hợp doanhnghiệp không tự lập BCTC mà thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán lập BCTC.
Người hành nghề thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán phải:
Ký và ghi rõ số giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Tên đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán trên BCTC của đơn vị.
Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm
Theo quy định tại Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC và Điều 80 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2023 như sau:
Đối với doanh nghiệp nhà nước
Đơn vị kế toán của các doanh nghiệp nhà nước phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;
Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022 – 31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 30/1/2023 và 31/3/2023.
Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
Đối với các loại doanh nghiệp
Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;
Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022 – 31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 30/1/2023 (đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh) và 31/3/2023.
Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022 – 31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 31/3/2023.
Theo đó, báo cáo tài chính là thủ tục bắt buộc doanh nghiệp phải nộp theo đúng thời gian đã quy định và nếu nộp chậm sẽ bị xử phạt theo các quy định đã ban hành. Các doanh nghiệp cần nắm rõ về thời hạn nộp báo cáo tài chính năm và nộp theo đúng thời gian đã quy định và không có gia hạn báo cáo tài chính năm.
Hồ sơ báo cáo tài chính năm
Dựa vào quy mô doanh nghiệp, báo cáo tài chính năm sẽ gồm các loại báo cáo khác nhau, cụ thể:
Đối với doanh nghiệp lớn, cần chuẩn bị báo cáo tài chính năm theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC bao gồm:
Bảng cân đối kế toán.
Báo cáo kết quả kinh doanh.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Thuyết minh báo cáo tài chính.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động liên tục theo quy định, cần chuẩn bị báo cáo tài chính năm theo quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC bao gồm:
Báo cáo tình hình tài chính.
Báo cáo kết quả kinh doanh.
Thuyết minh báo cáo tài chính.
Bảng cân đối tài khoản.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (không bắt buộc mà khuyến khích lập).
Cơ quan nộp báo cáo tài chính
Doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: nộp Báo cáo tài chính cho Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
Đối với các loại doanh nghiệp Nhà nước như: Ngân hàng thương mại, công ty xổ số kiến thiết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty kinh doanh chứng khoán: nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngân hàng hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).
Các công ty kinh doanh chứng khoán và công ty đại chúng : nộp Báo cáo tài chính cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.
Các doanh nghiệp: gửi Báo cáo tài chính cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế tại địa phương. Đối với các Tổng công ty Nhà nước còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
Doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên phải nộp Báo cáo tài chính cho đơn vị kế toán cấp trên theo quy định của đơn vị kế toán cấp trên.
Cơ quan tài chính mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): nộp tại Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh chính.
Các doanh nghiệp có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.
Lưu ý:
Trường hợp doanh nghiệp phải kiểm toán Báo cáo tài chính theo quy định cần lưu ý nghĩa vụ kiểm toán của mình. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào Báo cáo tài chính khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên.
Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, phải nộp Báo cáo tài chính cho các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Yêu cầu đối với thông tin trình bày trong báo cáo tài chính
Đầy đủ, khách quan, không có sai sót để phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để giúp người sử dụng BCTC hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục, việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm các thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.
Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng BCTC.
Lưu ý:
Không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót trong quá trình cung cấp các thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng.
Không sai sót không có nghĩa là hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính các loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay không chính xác.
Việc trình bày một ước tính được coi là trung thực nếu giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và các hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.
Tính dự đoán
Thông tin được trình BCTC phải thích hợp để giúp người sử dụng BCTC dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.
Tính trọng yếu của thông tin
Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên BCTC của một đơn vị cụ thể.
Kiểm chứng
Thông tin tài chính phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
Trình bày nhất quán
Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; so sánh được giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau.
Các thông tin miễn trình bày
Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên BCTC. Doanh nghiệp được chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về dịch vụ lập báo cáo tài chính năm, gia hạn nộp báo cáo tài chính năm, xin vui lòng liên hệ Công ty luật – Đại lý thuế Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.