Tranh chấp về đất đai thừa kế là một nội dung tương đối thường gặp trong tranh chấp dân sự bởi có liên quan trực tiếp đến lợi ích giữa những người có quyền thừa kế. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế là một việc tương đối phức tạp và tế nhị do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc. Trong bài viết này, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách những thông tin cần thiết về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015;
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Luật Đất đai 2013;
Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.
Căn cứ Mục 1 Phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định quyền sử dụng đất là di sản khi:
Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản;
Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế;
Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà không có các giấy tờ trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với quyền sử dụng đất đó và có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được xem là di sản khi Tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản.
Điều kiện được thừa kế quyền sử dụng đất
Theo Luật Đất đai năm 2013, đối tượng được để thừa kế quyền sử dụng đất, bao gồm:
Cá nhân, thành viên hộ gia đình;
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyển sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật;
Đồng thời, để được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, miếng đất thừa kế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:
Đất thừa kế đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Đất thừa kế không có tranh chấp;
Quyền sử dụng đất thừa kế không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
Đất thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất.
Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thừa kế theo di chúc là dịch chuyển di sản thừa kế của một người đã chết cho các người khác theo sự định đoạt của người đó khi còn sống.
Vậy, thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc là sự dịch chuyển quyền sử dụng đất của một người đã chết cho các người khác theo sự định đoạt của người đó khi còn sống.
Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Có thể hiểu thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển di sản của người chết cho người còn sống trên cơ sở quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng hay quan hệ thân thuộc giữa người có tài sản để lại sau khi họ chết và người nhận di sản.
Vậy, thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật là sự dịch chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người còn sống trên cơ sở quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng hay quan hệ thân thuộc giữa người có tài sản để lại sau khi họ chết và người nhận di sản.
Chủ thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cần phải nộp đầy đủ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định;
Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản như: Giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân,… để xác định diện và hàng thừa kế;
Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
Bản kê khai các di sản;
Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
Các giấy tờ khác có liên quan.
Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và những hồ sơ có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo các hình thức sau:
Trực tiếp tại Tòa án;
Gửi qua dịch vụ bưu chính;
Gửi bằng hình thức trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Kiểm tra, giải quyết và trả kết quả
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ xem xét, kiểm tra nội dung đơn khởi kiện. Nếu xét thấy đúng thẩm quyền, Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí và biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án, Tòa án sẽ thụ lý giải quyết.
Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành thủ tục chuẩn bị xét xử để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Nếu có đơn kháng cáo, kháng nghị, Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Trong trường hợp tái thẩm, giám đốc thẩm, Tòa án sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hiện hành.
Các trường hợp thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục sơ thẩm (điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Các trường hợp thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Giải quyết các tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015);
Giải quyết những tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện (khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Tòa án nơi có di sản là bất động sản có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất (điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất như sau:
Thời hiệu để người thừa kế quyền sử dụng đất yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản (tức quyền sử dụng đất) thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, tức người thừa kế đang định cư tại miếng đất đó. Trường hợp không có người thừa kế đang định cư tại miếng đất đó thì quyền sử dụng đất được giải quyết như sau:
Quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
Quyền sử dụng đất thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Cần lưu ý, khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng tòa án, đương sự cần xác định cụ thể về thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế để đảm bảo thời hiệu vẫn còn. Khi đó yêu cầu khởi kiện mới đảm bảo tính hợp lệ. Tuy nhiên, một yêu cầu khởi kiện ngoài thời hiệu vẫn có thể được thụ lý, và chỉ được đưa ra xem xét vấn đề thời hiệu khi có yêu cầu của một bên hoặc các bên trước Tòa án trong quá trình tố tụng.
Dịch vụ hỗ trợ giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế của Công ty luật Việt An
Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và tận tâm, Công ty Luật Việt An tự hào là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp lý, tư vấn pháp luật, đại diện tố tụng cho các vụ án tranh chấp đất đai thừa kế. Các dịch vụ chúng tôi cung cấp đối với vụ việc tranh chấp đất đai thừa kế bao gồm:
Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất;
Tư vấn phương thức giải quyết tranh chấp, phương hướng bảo vệ quyền lợi cho khách hàng;
Hòa giải tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất;
Quý khách hàng có nhu cầu liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế, tư vấn pháp luật thừa kế, tư vấn pháp luât đất đai, tư vấn pháp luật thừa kế xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.