Đăng ký tài sản trên đất là cách thức chủ sở hữu hợp pháp hóa quyền sở hữu của minh đối với tài sản trên đất, từ đó hạn chế tranh chấp và rủi ro pháp lý xảy ra. Để đăng ký tài sản trên đất, chủ sở hữu tự mình hoặc ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ đăng ký tài sản trên đất đến cơ quan có thẩm quyền. Vậy hồ sơ đăng ký tài sản trên đất bao gồm những gì? Qua bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp vấn đề này trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Những loại tài sản trên đất được đăng ký quyền sở hữu
Trước 1/8/2024, theo Điều 104 Luật Đất đai 2013, Nhà nước cho phép chủ sở hữu được đăng ký quyền sở hữu đối với 04 loại tài sản trên đất, bao gồm:
Nhà ở
Công trình xây dựng khác
Rừng sản xuất là rừng trồng
Cây lâu năm
Theo Điều 148 và Điều 149 Luật Đất đai mới năm 2024, từ 1/8/2024, Nhà nước chỉ công nhận quyền sở hữu đối với hai loại tài sản trên đất, bao gồm:
Nhà ở
Công trình xây dựng không phải là nhà ở
Mặc dù Luật đất đai 2024 đã thu hẹp phạm vi đối tượng tài sản trên đất được đăng ký quyền sở hữu nhưng theo quy định tại Khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai 2013, đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận cho loại tài sản trên đất là rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm trước thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (ngày 01/8/2024) thì giấy chứng nhận đó vẫn có giá trị sử dụng, quyền sở hữu đối với hai loại tài sản trên đất này vẫn được Nhà nước bảo hộ.
Đủ điều kiện đăng ký tài sản trên đất
Từ các quy định về việc công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất tại Điều 100, Điều 101 và Điều 104 Luật Đất đai 2013, có thể xác định một số điều kiện đăng ký tài sản trên đất như sau:
Hồ sơ đăng ký tài sản trên đất
Căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hiện nay có 02 loại thủ tục đăng ký tài sản trên đất sau đây:
Đăng ký tài sản trên đất lần đầu;
Đăng ký biến động khi có sự thay đổi về tài sản trên đất.
Theo đó, hồ sơ đăng ký tài sản trên đất đối với mỗi trường hợp là khác nhau. Cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
Đăng ký lần đầu
Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất:
Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137, khoản 1, khoản 5 Điều 148, khoản 1, khoản 5 Điều 149 của Luật Đất đai 2024, sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (nếu có).
Giấy tờ về việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định đối với trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận hoặc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật Đất đai 2024;
Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc giấy tờ về việc mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định tại Điều 140 của Luật Đất đai 2024 (nếu có).
Giấy tờ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với trường hợp có vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền đối với thửa đất liền kề kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế đối với trường hợp có đăng ký quyền đối với thửa đất liền kề.
Văn bản xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đang sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình đang sử dụng đất.
Mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất (nếu có)
Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định hoặc đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 149 của Luật Đất đai 2024 hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
Trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều 25 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì nộp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó có thể hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký đất đai; chứng từ nộp phạt của người sử dụng đất;
Chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng mà chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định của pháp luật thì nộp giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có chữ ký của bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền;
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng quy định tại khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 149 của Luật Đất đai 2024 thì nộp giấy xác nhận của cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện về đủ điều kiện tồn tại nhà ở, công trình xây dựng đó theo quy định của pháp luật về xây dựng (nếu có).
Đăng ký biến động
Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận đã cấp.
Một trong các loại giấy tờ liên quan đến nội dung biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này.
Văn bản về việc đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thông qua người đại diện.
Nộp hồ sơ đăng ký tài sản trên đất ở đâu?
Căn cứ quy định tại Điều 31, Điều 32 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, người sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại:
Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
Văn phòng đăng ký đất đai (đối với người sử dụng đất là tổ chức đang sử dụng đất, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Không đăng ký tài sản trên đất có rủi ro gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 131 Luật Đất đai 2024, việc đăng ký tài sản trên đất được thực hiện theo nhu cầu của chủ sở hữu. Có thể thấy, pháp luật hiện hành không bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký tài sản trên đất. Tuy nhiên, việc không đăng ký tài sản trên đất có thể khiến chủ sở hữu gặp phải những rủi ro nhất định.
Bởi lẽ, pháp luật hiện hành không có quy định suy đoán về việc người sử dụng đất động thời là chủ sở hữu đối với tài sản trên đất đó. Vì vậy, hai chủ thể này hoàn toàn có thể là hai hoặc nhiều chủ thể độc lập. Do đó, nếu trong trường hợp trên đất có nhiều người cùng sử dụng đất, việc xác định quyền sở hữu tài sản trên đất tương đối phức tạp và có thể phát sinh tranh chấp, rủi ro cho chủ sở hữu.
Ngoài ra, tên thực tế, có rất nhiều trường hợp khi không đăng ký tài sản trên đất nên dẫn đến trường hợp “bán đất nhưng không bán nhà” vì hợp đồng chuyển nhượng/ tặng cho chỉ ghi nhận những tài sản được ghi trên Giấy chứng nhận. Chính điều này làm phát sinh những tranh chấp không đáng có, thậm chí, có những tranh chấp kéo dài trên dưới 10 năm.
Vì vậy, để bảo đảm tối đa quyền lợi của mình, chủ sở hữu nên đăng ký tài sản trên đất ngay khi có đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Chi phí đăng ký tài sản trên đất là bao nhiêu?
Hiện nay, thẩm quyền quyết định lệ phí đăng ký tài sản trên đất đối với từng trường hợp thuộc về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của mỗi địa phương dựa trên hoàn cảnh thực tế của địa phường đó. Vì vậy, đối với mỗi địa phường, mức thu lệ phí đăng ký tài sản trên đất là khác nhau.
Theo Nghị quyết số: 06/2020/NQ-HĐNĐ của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, mức thu lệ phí đăng ký tài sản trên đất được quy định như sau:
Nội dung thu
Mức thu lệ phí
Cá nhân, hộ gia đình
Tổ chức
Các phường thuộc quận, thị xã
Khu vực khác
Cấp mới Giấy chứng nhận
100.000đ
50.000đ
100.000đ
Cấp đổi/ cấp lại Giấy chứng nhận
50.000đ
25.000đ
50.000đ
Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai
28.000
14.000
30.000
Trên đây là toàn bộ thông tin về Hồ sơ đăng ký tài sản trên đất. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý quy định về giải quyết đơn tố cáo vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!