Giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản tại Hồ Chí Minh
Tranh chấp đòi lại tài sản tại địa bàn Hồ Chí Minh là một trong nhiều dạng tranh chấp phổ biến. Vấn đề quyền sở hữu luôn là một vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn dân. Hiện nay, những quy định chung về quyền sở hữu trong các văn bản pháp luật đóng vai trò chủ đạo, là cơ sở quan trọng mang tính định hướng cho các quan hệ kinh tế, các quan hệ dân sự trong đời sống. Bài viết dưới đây của Công ty Luật Việt An sẽ cung cấp những tư vấn liên quan đến giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản tại Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự năm 2015;
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Luật Trọng tài thương mại 2010;
Luật Hòa giải cơ sở 2013;
Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Quyền đòi lại tài sản là gì?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, không ai có thể bị hạn chế hay bị tước đoạt trái pháp luật về quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Pháp luật có trách nhiệm bảo vệ các quyền đó một cách hợp pháp.
Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, chủ thể quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản hoặc người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật.
Quyền khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tài sản phát sinh khi người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tranh chấp đòi lại tài sản là gì?
Tranh chấp đòi lại tài sản là một loại tranh chấp dân sự, trong đó chủ sở hữu hoặc chủ thể có quyền khác đối với tài sản yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản đó.
Đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản
Đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản là tài sản. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Tuy nhiên, không phải tất cả những tài sản đó đều là đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản. Như vậy, đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản bao gồm:
Vật: trường hợp vật không còn tồn tại đó đã mất hoặc tiêu hủy thì cũng không thể khởi kiện đòi lại tài sản;
Tiền: đây được coi là một loại tài sản riêng và chủ sở hữu có thể khởi kiện nếu như biết rõ số seri của những tờ tiền đang bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Bởi vậy, trong từng trường hợp tiền có thể được coi là đối tượng hoặc không là đối tượng;
Giấy tờ có giá được hiểu là các giấy tờ có giá trị bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự, là loại giấy tờ chứng cho quyền tài sản …
Phương thức giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản tại Hồ Chí Minh
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, các bên có thể lựa chọn việc giải quyết các tranh chấp đòi lại tài sản bằng các phương thức như sau:
Thương lượng
Khái niệm: Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào;
Ưu điểm: Đơn giản, ít tốn kém;
Hạn chế: Kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng; khi một hoặc các bên tranh chấp không nỗ lực, thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công rất mong manh, mục tiêu và kết quả thương lượng thường không đạt được.
Hòa giải
Khái niệm: Là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ. Hòa giải trong tranh chấp đòi lại tài sản có thể bao gồm hòa giải cơ sở hoặc hòa giải thương mại theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại.
Ưu điểm: Thuận tiện, nhanh chóng, linh hoạt và ít tốn kém; ít chịu sự chi phối của các nguyên tắc hay hoạt động của các cơ quan công quyền; do xuất phát từ sự tự nguyện với thiện chí của các bên, phương án hòa giải dễ được các bên thường nghiêm túc thực hiện;
Hạn chế: Không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải; trường hợp hoà giải không thành, không chỉ mất thêm chi phí hòa, bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể mất quyền khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện không còn (thường xảy ra khi bên kia thiếu thiện chí, lợi dụng hòa giải để dây dưa trì hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình).
Một số trung tâm hòa giải thương mại tại Hồ Chí Minh:
Chi nhánh Trung tâm hòa giải Việt Nam VMC, Tầng 5 Tòa nhà VCCI, số 171 Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh..
Trung tâm hòa giải thương mại Đông Nam Á (SEACMC), địa chỉ: SGR.01-05.09 Saigon Royal Residence, số 34-35 Bến Vân Đồn, Phường 12, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh;
Trung tâm hòa giải thương mại Sài Gòn (SGM), địa chỉ: 2A, Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trọng tài thương mại
Khái niệm: Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Thủ tục tố tụng trọng tài và các quy tắc liên quan được thực hiện theo luật trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ưu điểm: đảm bảo tính bảo mật, nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại; thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng; phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kỳ một tổ chức hay tòa án nào.
Nhược điểm: chỉ áp dụng đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, chi phí để giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài khá lớn, không phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trọng tài tuyên án chỉ sau một cấp xét xử duy nhất, nên các quyết định của trọng tài có thể không chính xác, gây thiệt hại đối với một trong các bên tranh chấp.
Một số trung tâm trọng tại thương mại tại Hồ Chí Minh:
Chi nhánh Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC, Tầng 5 Tòa nhà VCCI, số 171 Võ Thị Sáu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
Trung tâm trọng tài Thịnh Trí (TTCAC), địa chỉ: Số 4 Trần Quang Diệu, Phường 13, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh;
Trung tâm trọng tài thương mại Sài Gòn (SCAC), địa chỉ: Số 87 T1 Nguyễn Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
Trung tâm trọng tài thương mại Liên Minh (ACAC), địa chỉ: 436B/56 Đường Ba tháng Hai, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khởi kiện tại Tòa án
Khái niệm: Là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ;
Ưu điểm: Phán quyết của tòa án bằng bản án, quyết định nhân danh ý chí quyền lực nhà nước và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước; trình tự, thủ tục chặt chẽ do giải quyết thông qua hai cấp xét xử;
Hạn chế: Các bên phải tuân thủ chặt chẽ các quy định mang tính hình thức của tố tụng; quá trình giải quyết tranh chấp có thể bị kéo dài, xử đi xử lại khiến các bên tranh chấp phải chịu bất lợi.
Một số câu hỏi liên quan
Tranh chấp đòi lại tài sản có áp dụng thời hiệu không?
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Điều kiện áp dụng quy định về thời hiệu: khi có yêu cầu áp dụng về thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên đối với tranh chấp đòi lại tài sản, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định không áp dụng thời hiệu đối với trường hợp: “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu; tranh chấp quyền sử dụng đất”. Do vậy, đối với các tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản thì tòa án không áp dụng thời hiệu khởi kiện, không phụ thuộc vào việc một bên hoặc các bên có hay không có yêu cầu áp dụng thời hiệu.
Vấn đề pháp lý cần giải quyết trong trường hợp này là cần xác định quyền sở hữu tài sản của chủ thể yêu cầu đòi lại tài sản.
Để đòi lại tài sản, chủ sở hữu tài sản cần đáp ứng các điều kiện gì?
Chủ sở hữu được lấy lại tài sản khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
Phải chứng minh được quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Dân sự 2015;
Tài sản rời khỏi chủ sở hữu hay rời khỏi người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ hoặc theo ý chí của họ như người thứ ba có vật thông qua giao dịch không đền bù;
Các chủ thể là đối tượng thực tế đang chiếm giữ tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình là việc chiếm hữu của một người không có căn cứ pháp luật và người đó biết là không có căn cứ hoặc tuy là không biết nhưng pháp luật buộc phải biết việc chiếm hữu của họ là không có căn cứ (ví dụ: người mua biết tài sản được bán là đồ ăn cắp nhưng vẫn mua vì giá rẻ);
Không được đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó (bao gồm Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt).
Tài sản hiện đang còn trong tay người chiếm hữu bất hợp pháp đối với tài sản đó;
Tài sản không còn là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền trường hợp khác do pháp luật Việt Nam quy định.
Dịch vụ giải quyết tranh đòi lại tài sản tại Hồ Chí Minh của Luật Việt An
Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp đòi lại tài sản;
Chuẩn bị đơn khởi kiện và tài liệu liên quan đến tranh chấp;
Nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ;
Đại diện cho khách hàng hoặc là luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại Tòa án;
Dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ hồ sơ, thủ tục giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản tại Hồ Chí Minh, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.