Góp vốn là việc người thành lập doanh nghiệp góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Hiện nay, loại tài sản phổ biến thường được sử dụng làm tài sản góp vốn đề thành lập là: tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giá trị quyền sử dụng đất, máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, cổ phiếu cũng được xem là tài sản góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Điều kiện góp vốn bằng tài sản
Theo quy định tại điều 34 Luật doanh nghiệp 2020:
“Điều 34. Tài sản góp vốn
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam..”
Theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2020:
“Điều 35. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
.…”
Như vậy, Tài sản góp vốn phải đáp ứng điều kiện điều kiện cơ bản sau:
Tài sản có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Phải chuyển quyền sở hữu hợp pháp hoặc quyền sử dụng hợp pháp sang công ty thành lập theo quy định pháp luật
Cổ phiếu là tài sản
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020:
“Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.”
Theo luật chứng khoán 2019
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Chứng khoánlà tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Như vậy, cổ phiếu là một loại tài sản.
Cổ phiếu có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam
Dựa theo Nguyên tắc định giá chứng khoán tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, có thể tra cứu nguyên tắc định giá chứng khoán giao dịch trên thị trường. Theo đó Cổ phiếu hoàn toàn có thể định gía được bằng Đồng Việt Nam.
Cổ phiếu được phép chuyển quyền sở hữu góp vốn vào doanh nghiệp
Theo Quyết định số 108/QĐ-VSD ngày 20/08/2021 Ban hành quy chế về hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
“Điều 42. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu do góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp
Hồ sơ chuyển quyền sở hữu do góp vốn (góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập) bằng cổ phần vào doanh nghiệp gồm:
…
Văn bản thỏa thuận định giá hoặc Bản thẩm định giá theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp;
Văn bản cam kết của các bên góp vốn và nhận góp vốn về việc tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến công bố thông tin, chào mua công khai, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và các nội dung khác có liên quan đến việc góp vốn;
….”
Như vậy, Cổ phiếu là tài sản định giá được bằng đồng Việt Nam, có thể chuyển quyền sở hữu sang công ty hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện là tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp mới.
Trình tự thủ tục góp vốn bằng cổ phần/ cổ phiếu để thành lập doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ tài sản góp vốn để cho vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Thông thường hồ sơ của tài sản góp vốn bằng cổ phiếu sẽ gồm:
Văn bản thỏa thuận định giá cổ phiếu;
Văn bản cam kết của các bên góp vốn về việc tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến công bố thông tin, chào mua công khai và các nội dung khác có liên quan đến việc góp vốn bằng cổ phiếu;
Văn bản góp vốn của thành viên/ cổ đông sáng lập góp vốn bằng cổ phiếu;
Bước 2: Chuyển quyền sở hữu cổ phần sang công ty đã thành lập hoàn tất thủ tục góp vốn
Sau khi thành lập doanh nghiệp, thành viên/cổ đông sáng lập thực hiện chuyển quyền sở hữu do góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Từ các căn cứ nêu trên, Cổ phần/cổ phiếu là tài sản có thể dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đối với Cổ phần trong công ty chưa niêm yết hiện nay chưa có quy chế để định giá và chuyển đổi quyền sở hữu cụ thể, do đó thông thường sẽ không được chấp thuận trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới. Đối với các cổ phần của công ty đã niêm yết, quy chế định giá, quy định về chuyển đổi quyền sở hữu cụ thể do đó có căn cứ để góp vốn thành lập doanh nghiệp mới. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới từ cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là một trong những phương án góp vốn mới, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn thành lập công ty, thay đổi đăng ký kinh doanh, tư vấn thủ tục góp vốn tại công ty xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!