Hình thức kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử tại Việt Nam

Hiện nay có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của các công ty này là nhằm tư vấn quản lý kênh bán hàng của bên bán là cá nhân, tổ chức có quốc tịch Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam (như Shopee, Lazada, Tiki, …) dựa trên sản phẩm được bên bán cung cấp. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ đưa ra những tư vấn pháp lý sơ bộ về những phương án thực hiện kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam.

Căn cứ pháp lý

  • Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO.
  • Luật Đầu tư 2020.
  • Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Nghị định 31/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP về Thương mại điện tử.

Điều kiện tiếp cận thị trường dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam

Dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử thường được biểu hiện qua hai hoạt động chính:

  • Cung cấp nền tảng để giúp bên bán thực hiện các công việc quản lý kho hàng; thống kê tình trạng tiếp nhận và xử lý đơn hàng;
  • Hướng dẫn, lên ý tưởng, thiết kế các ấn phẩm, lập kế hoạch, báo cáo chiến dịch quảng cáo cho hoạt động của bên bán.

Do vậy, dịch vụ này có thể được xếp vào nhóm Dịch vụ tư vấn quản lý (CPC 865).

Theo Biểu cam kết WTO, các hình thức hiện diện thương mại được cho phép trong lĩnh vực tư vấn quản lý (CPC 865) bao gồm: (1) Hợp đồng BCC, (2) Doanh nghiệp liên doanh, (3) Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh ở Việt Nam.

Điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam

Theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020, tư vấn quản lý không thuộc ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Khi đó, nhà đầu tư chỉ cần lưu ý một số vấn đề pháp lý sau:

Hình thức đầu tư:

Căn cứ Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức sau:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý trong thương mại điện tử ở Việt Nam dưới tất cả hình thức trên.

Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế: không bị hạn chế.

Phạm vi hoạt động đầu tư

Về phạm vi lĩnh vực hoạt động và ngành nghề:

Nhà đầu tư cần lưu ý dịch vụ tư vấn quản lý theo quy định pháp luật Việt Nam không bao gồm: Thiết kế phần mềm máy vi tính cho hệ thống kiểm toán; Tư vấn và đại diện pháp lý; Hoạt động kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế; Kiến trúc, tư vấn kỹ thuật và công nghệ khác; Hoạt động quảng cáo; Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận; Dịch vụ sắp xếp và tư vấn giới thiệu việc làm; Hoạt động tư vấn giáo dục.

Về phạm vi lãnh thổ, khách hàng:

Do pháp luật không đặt ra giới hạn nên nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý trong thương mại điện tử xuyên biên giới cho bên bán đến từ các quốc gia khác, miễn là đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường thương mại dịch vụ của quốc gia đó.

Hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam

Như đã trình bày ở điều kiện tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý ở Việt Nam dưới hai hình thức:

  • Cung ứng dịch vụ qua biên giới: không hạn chế việc cung ứng thông qua hợp đồng trực tiếp với bên bán là cá nhân, tổ chức có quốc tịch Việt Nam.
  • Thành lập tổ chức kinh tế: Việt Nam không hạn chế đối với hình thức đầu tư của dịch vụ tư vấn quản lý, do đó nhà đầu tư được quyền đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Đầu tư 2020.

Cung ứng dịch vụ qua biên giới

Thuận lợi

  • Tiết kiệm thời gian, chi phí liên quan đến thành lập và vận hành doanh nghiệp mới tại Việt Nam.
  • Dễ dàng thay đổi thị trường kinh doanh (rời thị trường Việt Nam).

Khó khăn

  • Khó nắm bắt thông tin trong nước như thông tin thị trường, thông tin về tranh chấp pháp lý phát sinh. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, các bên khó lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.
  • Phát sinh các rủi ro về liên quan đến thanh toán quốc tế và quy định về ngoại hối.

Khuyến nghị

Nếu có mục tiêu thị trường lâu dài, nhà đầu tư nên lựa chọn phương thức khác ổn định và có cơ cấu chặt chẽ hơn.

Thành lập tổ chức kinh tế

Khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư phải thực hiện các quy định của pháp luật Đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp mà nhà đầu tư thành lập nếu thuộc trường hợp là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (theo khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020) thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc thành lập tổ chức kinh tế sẽ phát sinh các chi phí về thành lập doanh nghiệp (Thông tư 47/2019/TT-BTC), lệ phí môn bài (Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP), thuế TNDN, thuế TNCN và các chi phí quản lý phát sinh trong quá trình vận hành doanh nghiệp.

Để thành lập tổ chức kinh tế ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn một trong ba hình thức sau:

Công ty cổ phần

  • Thuận lợi
    • Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn đa dạng nhất từ nhiều nguồn khác nhau thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu để kêu gọi đầu tư, điều này ở các loại hình doanh nghiệp khác không có.
    • Việc chuyển nhượng các phần vốn góp được thực hiện một cách tự do, thủ tục chuyển nhượng đơn giản và không giới hạn số lượng cổ đông nên thu hút nhiều cá nhân hoặc/và tổ chức tham gia góp vốn vào công ty.
  • Rủi ro
    • Đối với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư không có toàn bộ quyền tự quyết đối với các hoạt động của công ty mà chịu sự chi phối từ các cổ đông khác. Từ đó, quá trình đưa ra quyết định phức tạp, tốn thời gian với những trình tự, thủ tục khác nhau.
    • Cơ cấu tổ chức công ty phức tạp với số lượng cổ đông lớn, do đó việc quản lý và điều hành công ty cổ phần cũng khó khăn hơn. Hơn nữa, nhiều cổ đông có thể không quen biết nhau và có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông trong công ty đối kháng nhau về lợi ích.
    • Khả năng bảo mật trong kinh doanh và tài chính bị hạn chế do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông ở các cuộc họp thường niên.
    • Mức thuế tương đối cao vì ngoài thuế mà công ty phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, các cổ đông còn phải chịu thuế thu nhập bổ sung từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần theo quy định của luật pháp.
  • Khuyến nghị
    • Trường hợp nhà đầu tư cần huy động một nguồn vốn lớn hoặc có ý định mở rộng quy mô trong tương lai thì thành lập công ty cổ phần là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý trong việc quản lý và điều hành công ty với cơ cấu phức tạp và số lượng cổ đông lớn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần tìm kiếm được ít nhất 2 tổ chức/cá nhân uy tín, có đủ tiềm lực tài chính và phù hợp với ngành nghề kinh doanh để làm đồng cổ đông sáng lập.
    • Để nắm quyền kiểm soát công ty, nhà đầu tư phải đạt tối thiểu 65% tổng số phiếu biểu quyết trong công ty cổ phần để có toàn quyết định – thông qua mọi quyết định thông thường và quyết định quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty TNHH một thành viên

Nhà đầu tư có thể lựa chọn thành lập Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nước ngoài và hoạt động như một công ty con ở Việt Nam.

  • Thuận lợi
    • Nhà đầu tư có toàn bộ quyền tự quyết thực hiện phương án đầu tư kinh doanh của mình mà không chịu sự chi phối hay ảnh hưởng tới quyết định kinh doanh tại công ty bởi bất kỳ chủ thể nào khác.
    • Nhà đầu tư có quyền hưởng toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động của công ty.
    • Hiện tại, pháp luật Việt Nam không đặt ra quy định về vốn điều lệ tối thiểu đối với công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý trong thương mại điện tử.
    • Cơ cấu công ty đơn giản và linh hoạt lựa chọn theo hai mô hình tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Rủi ro
    • Nhà đầu tư phải chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh bao gồm toàn bộ rủi ro phát sinh.
    • Liên quan đến nguồn vốn, công ty TNHH một thành viên không có quyền phát hành cổ phiếu, mà chỉ có quyền phát hành trái phiếu. Theo đó, công ty vẫn phải tuân thủ Luật chứng khoán, và các luật khác có liên quan.
    • Khi huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
  • Khuyến nghị

Nhà đầu tư cần lên chiến lược cụ thể để dự kiến số vốn điều lệ, tránh việc thực hiện nhiều thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ để triển khai những kế hoạch kinh doanh lớn.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên

  • Thuận lợi
    • Công ty TNHH hai thành viên trở lên có khả năng huy động vốn từ nhiều thành viên góp vốn. Trong quá trình hoạt động, nhà đầu tư có thể tăng vốn và quy mô kinh doanh bằng cách kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới hoặc các nhà đầu tư cũ tăng vốn.
    • Nhà đầu tư chỉ phải chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro sẽ giảm đi so với công ty TNHH một thành viên.
  • Rủi ro
    • Việc tìm kiếm một tổ chức hoặc cá nhân hợp tác đáng tin cậy để thành lập loại hình công ty này sẽ khó khăn hơn so với doanh nghiệp trong nước.
    • Loại hình công ty TNHH sẽ không được phát hành cổ phiếu nên khả năng tăng vốn vẫn gặp phải nhiều hạn chế so với công ty cổ phần.
    • Việc chuyển nhượng vốn góp của loại hình công ty này bị hạn chế gắt gao do quy trình chuyển nhượng khắt khe, phức tạp.
  • Khuyến nghị

Nếu chọn thành lập loại hình công ty này, nhà đầu tư nên tìm một hoặc nhiều thành viên đồng sáng lập khác là cá nhân hoặc tổ chức đã có sự tin tưởng, có đủ tiềm lực tài chính và phù hợp với ngành nghề kinh doanh. Để nắm quyền kiểm soát công ty, cơ cấu vốn góp của nhà đầu tư trong công ty TNHH phải đạt tối thiểu 75% trong cơ cấu vốn điều lệ của công ty TNHH để có toàn quyết định – thông qua mọi quyết định thông thường và quyết định quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Khuyến nghị tổng quan

Thành lập mới một công ty TNHH một thành viên là hình thức đầu tư được khuyến nghị cho nhà đầu tư để thực hiện hoạt động tư vấn quản lý trong thương mại điện tử. Đây là loại hình công ty được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lựa chọn để cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý, bởi những ưu điểm sau:

  • Cơ cấu tổ chức, thủ tục thành lập đơn giản hơn loại hình công ty TNHH 2 thành viên và công ty cổ phần.
  • Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên rủi ro hơn.
  • Ưu điểm quan trọng nhất của loại hình này là cách điều hành tổ chức kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư dựa vào mức vốn sở hữu chiếm tuyệt đối trong các doanh nghiệp. Khi đó, nhà đầu tư có quyền nhận toàn bộ số lãi thu được từ hoạt động của công ty và dễ dàng trong việc kiểm soát, quyết định mọi hoạt động của công ty mà không cần thông qua ý kiến của một bên khác.

Quý khách hàng có bất kì câu hỏi hoặc thắc mắc nào có liên quan đến đầu tư kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam, xin vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được tư vấn tốt nhất.

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tin tức doanh nghiệp

    Tin tức doanh nghiệp

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO